Trở về nước sau khi tu nghiệp 5 năm ở Anh, bắt đầu công việc thực tập quản lý tại khách sạn Mường Thanh Hà Nội, sau đó là Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn, với Lê Thị Hoàng Yến, công việc đã trở thành đam mê và xây dựng thương hiệu khách sạn Việt đã trở thành tâm huyết.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, chắc hẳn chị sẽ được nâng đỡ ngay từ lúc có ý định bước chân vào kinh doanh?
Ngay từ nhỏ, tôi đã thấm nhuần tư tưởng “phải tự vươn lên bằng chính năng lực của mình”. Nhưng muốn trở thành một doanh nhân, bạn sẽ phải tìm ra con đường đi của riêng mình. Tôi vẫn nghĩ và hay nói đùa với bạn bè rằng ngay từ nhỏ, tôi được “sống, ăn và ngủ với kinh doanh”. Điều đó tác động lớn lắm đến chí hướng của mình. Tôi học được cách theo đuổi giấc mơ từ cha. Lúc nhỏ, tôi thấy cha theo đuổi giấc mơ của mình một cách kiên tâm, chăm chỉ, không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.
![]() |
Doanh nhân Lê Thị Hoàng Yến
Sau 5 năm tu nghiệp tại Anh, trở về nước, tôi bắt đầu tham gia trợ giúp công việc kinh doanh của gia đình, nối nghiệp cha. Ban đầu, tôi cũng như bao nhân viên khác bắt đầu công việc thực tập quản lý tại khách sạn Mường Thanh Hà Nội, sau đó là Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn.
Hệ thống quản trị tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh rất rõ ràng. Hiện tại, tôi đang điều hành toàn bộ và chịu trách nhiệm về những việc mình đảm nhận. Cha tôi, Chủ tịch Tập đoàn, hầu như ít tham gia và can thiệp vào việc điều hành.
Trong vô vàn cái tên “mỹ miều” tại sao chị lại chọn tên nghe thật dung dị “Mường Thanh”?
Đây có thể nói là cái tên “thương hiệu tâm huyết” của gia đình tôi. Khách sạn đầu tiên của chúng tôi được xây dựng tại vùng đất Điện Biên vào đầu những năm 1990, nơi có những cánh đồng Mường Thanh, có cái nôi của nền văn hóa Thái.
Chúng tôi tôn trọng và tự hào về cội nguồn của thương hiệu và lấy đó làm điểm khác biệt cho mình trong hơn 20 năm qua. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để Mường Thanh được nhắc đến như một cái tên dung dị nhưng chứa đựng nhiều kỳ tích.
Áp lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường khu vực đang ngày một lớn. Chị quản lý và vận hành chuỗi khách sạn giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt như thế nào?
Năm 2012, tôi bắt tay thành lập Văn phòng Điều hành Tập đoàn bằng cách vận dụng mô hình quản lý của các tập đoàn nước ngoài và sáng tạo phù hợp với đặc điểm con người và văn hóa Việt Nam. Hệ thống khách sạn được quản lý theo mô hình dọc, chéo, tức là mỗi khách sạn có bộ máy quản lý vận hành độc lập, trong khi tại văn phòng tập đoàn có giám đốc chức năng của từng bộ phận như lễ tân, buồng phòng…, nhằm giám sát quản lý cả hệ thống theo tiêu chuẩn thống nhất, theo bộ nhận diện thương hiệu đã được quy chuẩn.
Để có bộ máy tốt, Tập đoàn thực hiện chính sách “cầu hiền” với những người Việt đã có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài như Intercontinental, Melia, Sofitel… với mức lương cao hơn so với mức lương họ được hưởng khi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài.
Tại sao chị không hợp tác với một tập đoàn nước ngoài nào đó cho đỡ “nhọc”?
Dù vất vả bao nhiêu chúng tôi vẫn kiên trì xây dựng thương hiệu khách sạn Mường Thanh vì mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt và muốn đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn này. Chỉ có sự chuyên nghiệp mới đem lại sự phát triển bền vững.
“Vũ khí” bí mật để mang lại thành công cho chị là gì?
Đó chính là chế độ phân quyền và mục tiêu rõ ràng. Trong kinh doanh, tôi không cho phép mình dễ tính. Với một tập đoàn có tốc độ phát triển nhanh, tính kỷ luật phải được coi trọng hàng đầu. Với những quy định đã được Văn phòng Điều hành thông báo và ban hành, khách sạn thành viên cố ý làm sai sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc. Mường Thanh có hệ thống báo cáo dày đặc theo ngày và tuần; vì thế sai phạm sẽ nhanh chóng bị phát hiện và được khắc phục ngay lập tức.
Chúng tôi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp với bản sắc riêng như văn hóa Mường Thanh khiến người lao động tự giác làm việc với tâm thế làm cho mình, cho gia đình mình chứ không phải làm thuê.
Điểm yếu ở nhiều công ty nước ngoài là chế độ áp đặt, Tổng giám đốc có thể quyết hết mọi việc. Trái lại ở Mường Thanh, nếu nhân sự đã được phân công phụ trách công việc nào thì đều được quyền quyết định.
![]() |
Trong công việc không thể tránh khỏi có những quan điểm trái chiều, tôi đều kiên trì giải thích, thuyết phục. Nếu hành động vì việc chung, vì lợi ích của doanh nghiệp và mọi người, tôi tin mọi bất đồng đều được hóa giải.
Với một ngành dịch vụ đặc thù như khách sạn, con người là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ. Theo chị, quan điểm này có đúng không?
Ngoài việc lập kế hoạch, truyền thông nội bộ rõ ràng, và chiêu “hiền tài”, Mường Thanh rất chú trọng đến công tác đào tạo trong Tập đoàn. Không chỉ có nhân viên, cán bộ quản lý đều phải tham dự nhiều lớp đào tạo. Hàng năm, Mường Thanh đều tổ chức các hội nghị giám đốc điều hành toàn quốc. Tại đây, họ gặp gỡ, trao đổi và nêu ra nhiều câu hỏi để Ban Tổng giám đốc trả lời, chưa thỏa đáng có thể chất vấn đến tận cùng. Chặt chẽ, rõ ràng trong công việc, cởi mở đón nhận điều mới, sống tình cảm và quan tâm đến cấp dưới…
Áp lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường khu vực đang ngày một lớn. Ở góc độ một doanh nghiệp lớn trong ngành, chị có mong muốn và chia sẻ gì?
Thực sự khía cạnh năng động rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong ngành này. Mỗi ngày, ngành du lịch mang đến cho chúng tôi những vị khách mới với những sở thích, phong cách, kỳ vọng mới.
Cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ cho du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao, phong phú về chủng loại. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới và phát triển mỗi ngày. Để làm được điều này, các doanh nghiệp nói chung và tập đoàn khách sạn Mường Thanh nói riêng bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tuyển chọn và sử dụng lao động có chuyên môn dịch vụ tốt.
Bên cạnh việc chú trọng các đối tượng khách quốc tế, tôi cho rằng du lịch Việt Nam rất cần chú trọng đến lượng khách du lịch trong nước. Với tổng số dân hơn 90 triệu người và nhu cầu du lịch ngày càng tăng, lượng khách du lịch nội địa sẽ trở thành một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy nền du lịch nội địa phát triển.
Người Việt ngày càng có nhiều cơ hội để ra nước ngoài, lượng khách hàng nội địa này sẽ mang đến cho nền du lịch Việt Nam những xu hướng mới, những đòi hỏi mới. Họ sẽ là những người bền bỉ nhất, kiên nhẫn nhất trong việc đòi hỏi nền du lịch nước nhà phải đổi mới và phát triển.
Huyền Anh (thực hiện)