Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc (1.239,2 triệu USD), Nhật Bản (972 triệu USD), Hồng Kông (920,8 triệu USD).
Theo đánh giá của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tăng cao và Hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam.
Rủi ro từ luồng vốn Trung Quốc
Hiện tại, tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn. Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp (DN) FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động… Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, đánh giá từ cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đầu tư tăng đột biến vào Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc chỉ đứng thứ 10, 11 trong số các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Trong khi đó, với những nước mà Việt Nam cần thu hút đầu tư như Mỹ vẫn chưa có chuyển biến. Mỗi năm đầu tư ra nước ngoài 300 tỷ USD nhưng Mỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 300 triệu USD. Hay với EU, tính luỹ kế đến cuối tháng 12/2018 mới đầu tư hơn 24 tỷ USD vào Việt Nam, một con số hết sức khiêm tốn.
“Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, IPA với EU, đa số các ý kiến cho rằng đầu tư của khu vực EU vào Việt Nam sẽ gia tăng. Tuy nhiên, thực tế có được như vậy hay không khi mà CPTPP đã có hiệu lực, chúng ta cũng kỳ vọng như vậy nhưng kết quả chưa như mong muốn”, ông Toàn nêu vấn đề.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao có thể sàng lọc được vốn FDI, chỉ như vậy mới đạt mục tiêu về hiệu quả (lan tỏa FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ).
“Muốn sàng lọc, chúng ta phải sàng lọc từ chính sách, từ tiêu chí cụ thể. Chứ không phải cứ nhìn thấy nhà đầu tư Trung Quốc là chúng ta từ chối. Nếu có bộ máy sàng lọc tốt, tiêu chí cụ thể, Việt Nam có thể thu hút vốn FDI tốt, ngay cả với vốn Trung Quốc”, ông Toàn chia sẻ.
Hơn nữa, luồng vốn FDI từ Trung Quốc có thể dẫn tới tình trạng gia tăng gian lận xuất xứ thông qua việc nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam, sau đó gia công đơn giản gắn nhãn Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng Việt Nam bước đầu xử lý khá khéo léo, thực dụng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. “Vấn đề gian lận xuất xứ, nhập nhèm về hàng Việt Nam không phải bây giờ mới được nhìn nhận, nhưng bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn”, ông Dương đánh giá.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là một điểm cần chú ý trong năm nay.
![]() |
Khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu cho tăng trưởng |
Củng cố nội lực
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực cải thiện thể chế để nâng cao tiêu chuẩn môi trường, lao động… nhằm đáp ứng yêu cầu của EVFTA. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với đầu tư FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các DN trong nước cũng như đảm bảo chất lượng nguồn vốn FDI.
Phân tích tổng thể tình hình phát triển kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng nếu nhìn lại, hồi đầu năm chúng ta rất hồ hởi với hai từ “bứt phá”, năm 2019 phải hơn năm 2018, phấn đấu tăng trưởng trên 7%, cải cách môi trường kinh doanh thật mạnh mẽ, nhưng thực tế chưa làm được như vậy.
Năm nay, ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng là ngành chế biến, chế tạo nhưng phần lớn là của DN FDI, liệu có khả năng tăng ngành này được nữa không. Theo ông Cung là không, vì ngành chế biến, chế tạo đã tăng trưởng mức cao, đã đến trần.
Để thúc đẩy tăng trưởng, cần nhìn vào ngành nào tăng trưởng thấp – vì thấp thì còn nhiều dư địa để phát triển. Một trong những ngành có thể tăng trưởng là thông tin truyền thông – cũng là ngành dẫn dắt, đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
“Nhìn động lực về cơ cấu của các ngành, những ngành có mức độ đóng góp thấp thì chúng ta còn nhiều cơ hội, hơn là cứ nhăm nhăm vào các “ông lớn” Samsung, Formosa để lấy thành tích tăng trưởng”, ông Cung nêu quan điểm.
Mặt khác, xét về thành phần kinh tế, sau vụ Vinashin, Vinaline, Viện trưởng CIEM cho rằng dường như đang có xu hướng thắt chặt lại và hành chính hóa hoạt động của DN nhà nước (DNNN).
Vì vậy, DNNN và DN tư nhân đều “kêu” không được đối xử bình đẳng, DNNN mong được như tư nhân, tư nhân mong được như DNNN – dễ dàng tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh theo hướng xin cho. Tuy nhiên, DNNN lại không được quyền tự chủ, tự do kinh doanh, trong khi muốn có quyền tự chủ kinh doanh thì hệ thống quản trị phải thay đổi.
Phân tích cụ thể về khu vực kinh tế tư nhân, ông Cung bày tỏ tâm trạng vừa buồn, vừa lo, vừa vui. Vui vì có một vài DN tư nhân lớn mạnh nhưng niềm vui đó lại thấy buồn vì DN tư nhân Việt Nam vẫn chủ yếu nhỏ, không muốn lớn. DN không lớn được vì không được tiếp cận nguồn lực, chưa kể lớn lại đầy rủi ro.
“Tôi mong mỏi nhiều hơn nữa cải cách trong nước, thúc đẩy DN trong nước tăng trưởng – đó mới là của Việt Nam. Nếu như Việt Nam không nhanh chóng cải cách thể chế sẽ xảy ra câu chuyện chúng ta cứ công cốc đi đàm phán FTA này kia, kết quả chỉ DN FDI hưởng, còn DN Việt Nam bị bỏ lại phía sau. Điều này giống với cảnh đẩy DN lên xa lộ nhiều chông gai, nhưng DN vẫn chưa thoát khỏi tư duy quản lý đường làng. Chính rào cản kỹ thuật của Việt Nam cản DN Việt, chứ không phải của nước ngoài”, ông Cung chia sẻ.
Theo chuyên gia này, nhiều rào cản kỹ thuật của Việt Nam “tinh vi lắm, cài cắm câu chữ” để DN vi phạm, chứ không phải bảo vệ cái gì khác, dùng thủ tục hành chính can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.
“Khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chừng nào được như vậy thì kinh tế Việt Nam mới tăng trưởng, tạo ra lợi ích cho nhiều người. Nếu cứ tăng trưởng như hiện nay, có tăng mà chưa chắc đã có phát triển”, ông Cung nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Chúng ta cứ nói Việt Nam hùng cường nhưng giờ lại có tư duy, xu hướng “tiền của mình” đem cho nước ngoài làm, thế chúng ta còn cái gì? Đây là cách tiếp cận chính sách rất lạ. Tiền của mình không cho DN trong nước làm để tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực của Việt Nam. Đây là hiện tượng nhưng đằng sau ẩn chứa chính là bất cập chính sách. PGs.Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR Việt Nam là nước ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới, do vậy dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam. Các DN lớn của Mỹ, Nhật chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn tại Việt Nam có tăng lên nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng. Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài Để tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI, đưa DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các DN đầu đàn của Việt Nam cần phải đi đầu, những tập đoàn có nguồn vốn tốt cần phát triển năng lực, tăng sức cạnh tranh ở quốc gia cũng như trên khu vực. |