Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có 1.600 DN nước này đầu tư sang Việt Nam tính đến tháng 10/2016. Việt Nam với cương vị là quốc gia đón vốn Nhật hiện đứng thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác kinh tế Mê Kông – Nhật Bản, ông Kobayashi Yoichi, cho biết cuộc cạnh tranh thu hút vốn Nhật đang ngày càng gay gắt hơn.
Ba năm liên tiếp sụt giảm
Uỷ ban này đã tiến hành khảo sát DN thành viên đã đầu tư hoặc đang cân nhắc đầu tư sang Việt Nam đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam, trên cơ sở so sánh với các nước khác.
Các nước đứng đầu trong số các nước ngoài Việt Nam mà DN trả lời rằng có cân nhắc đầu tư sang là Thái Lan, Singapore, Indonesia… Điều này cho thấy danh sách lựa chọn của nhà đầu tư Nhật Bản đang ngày càng dầy lên.
Trước đó, trong một báo cáo mới nhất về tình hình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nêu tình trạng nguồn vốn FDI Nhật Bản đổ vào Việt Nam trong khoảng ba năm trở lại đây liên tục sụt giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là có chất lượng cao này hiện đã không còn đứng ở “ngôi đầu bảng” trong các đối tác rót vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư của các tập đoàn, DN lớn của Nhật Bản tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Năm 2014, Nhật đã tụt xuống vị trí số 4 sau Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Đây cũng là vị trí thấp nhất của Nhật sau nhiều năm giữ vị trí quán quân hoặc đứng thứ hai.
![]() |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào nước ta đang chứng kiến sự sụt giảm 3 năm liên tiếp
Cụ thể, năm 2014, vốn FDI từ Nhật chỉ vào khoảng 2,05 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 5,87 tỷ USD của năm 2013. Đến năm 2015, tổng vốn đầu tư tiếp tục sụt xuống mức 1,84 tỷ USD. Theo Bộ KH&ĐT, giá trị các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang giảm dần, giờ chủ yếu là các dự án nhỏ. Theo thống kê, trong cùng khoảng thời gian này, các DN Nhật Bản đã có sự chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ cùng với việc rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn vốn rút ra từ Trung Quốc năm 2015 chủ yếu được Nhật đầu tư vào Singapore, Indonesia, dẫn đến sụt giảm mạnh trong nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Lí giải nguyên nhân này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn quan liêu, chi phí thuế cao, tồn tại tham nhũng tại nhiều dự án liên quan đến ODA, chính sách tăng lương.
Trông chờ làn sóng đầu tư thứ hai?
Cụ thể, có tới 60% DN Nhật đầu tư tại Việt Nam phàn nàn về chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, các chính sách thiếu minh bạch… ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của họ tại đây. Một nguyên nhân khác được chỉ ra là có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của DN Nhật, đó là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, làm cho tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu, linh kiện chiếm 70% trong tổng chi phí sản xuất.
Chẳng hạn, ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ và thị trường là hai yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư. Tuy nhiên, theo khảo sát của các doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam mới đạt 32%, thấp hơn rất nhiều mức 64% tại Trung Quốc, 56% tại Thái Lan, 41% tại Indonesia…
Ngoài ra, theo các nhà đầu tư Nhật Bản, hiện nay, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với các DN Nhật Bản vẫn còn nhiều vướng mắc, ví dụ như quy định về mở rộng các cửa hàng trong lĩnh vực bán lẻ và góp vốn trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa.
Cụ thể, hiện nay Việt Nam đã cho phép khi mở rộng các cửa hàng có vốn FDI, tuy nhiên vẫn đi kèm yêu cầu phải có đánh giá nhu cầu kinh tế. Đối với tỷ lệ góp vốn trong lĩnh vực dịch vụ thì DN nước ngoài bị áp quy định tối đa 51%. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đường sá còn nhiều dư địa cần hoàn thiện và nâng cao hơn nữa về chất lượng. Mặc dù vốn sụt giảm mạnh, song Bộ KH&ĐT vẫn nhận định rằng DN Nhật Bản có khả năng tăng đầu tư trong giai đoạn tới. Nguyên nhân được cho là các DN Nhật phải đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng cao cũng như việc giảm ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này khiến các công ty Nhật thay đổi chiến lược bằng cách chuyển các khoản đầu tư trực tiếp hướng đến các nước ASEAN với thị trường lớn và nhân công giá rẻ như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar…
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, môi trường các nước láng giềng ASEAN đang xấu đi, họ đang gặp phải các vấn đề như chủ nghĩa bảo hộ, chi phí nhân công tăng cao, kinh tế trì trệ, chính trị bất ổn… Trong tình hình đó, Việt Nam đang phát huy các ưu thế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ.
Đồng thời, Nhật Bản có 4,7 triệu DN vừa và nhỏ, đang có xu hướng đầu tư mạnh ra nước ngoài, trong khi đó, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, ông Nekoshima Akio, đồng Trưởng ban Kinh tế Mekong Nhật Bản, dự báo thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư thứ hai của DN Nhật Bản vào Việt Nam, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Thy Lê