Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tác động trực tiếp của Brexit đến kinh tế Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, tác động gián tiếp lại lớn hơn nhiều. Nhận định này được ông Trương Đình Tuyển đưa ra tại Hội thảo “Brexit và Cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập” do trường Đại học Văn Hiến tổ chức tại Tp.HCM ngày 3/8.
Tác động gián tiếp
Lý giải về những tác động gián tiếp của hậu Brexit, ông Tuyển cho rằng đồng bảng Anh và đồng Euro giảm giá làm cạnh tranh xuất khẩu khó khăn hơn, nhất là khi các đối tác cạnh tranh xuất khẩu với nước ta vào các thị trường này điều chỉnh giảm giá đồng tiền của họ (và điều này đang diễn ra).
Mặt khác, xuất khẩu vào Anh và EU từ những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam khó khăn hơn, tăng trưởng kinh tế ở những nước này bị suy giảm, làm xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này cũng bị tác động tiêu cực. Ngoài ra, do đồng Yên Nhật và USD lên giá, nợ đến hạn phải trả tính theo VNĐ sẽ tăng lên, gây áp lực lên cân đối ngân sách vốn đang rất căng thẳng.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, tính bất định của kinh tế thế giới tăng lên, phản ứng chính sách khó khăn hơn, nhất là chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá). Nếu xử lý không tốt sẽ gây bất ổn vĩ mô.
Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực dự báo, khả năng phản ứng chính sách và quản trị rủi ro của các nhà quản lý từ quản lý nhà nước đến quản trị doanh nghiệp, điều này cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc Anh rời EU sẽ khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm hoặc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo PGs.Ts. Lưu Ngọc Trịnh – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, có thể các đàm phán thương mại song phương giữa hai nước sẽ tạo ra những thuận lợi mới cho Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần tăng cường đàm phán các hiệp định này một cách linh hoạt và khôn ngoan.
Số liệu thống kê cho thấy, về thương mại song phương, Anh và Việt Nam chỉ hợp tác với quy mô nhỏ, khoảng 5,4 tỷ USD (2015). Việt Nam cũng có thặng dư thương mại lớn với Anh trong thời gian dài, khoảng 4,8 tỷ USD (2015).
![]() |
Việt Nam cần tìm thêm những thị trường mới để giảm ảnh hưởng từ sự đi xuống của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư từ Anh và EU
Trong số các bạn hàng của Việt Nam, Anh chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn, 2,9% tổng KNXK và 0,44% tổng KNNK của Việt Nam (tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU).
Hơn nữa, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Anh đều có thể được thay thế tương đối dễ dàng. Do đó, đối với Việt Nam, những tác động trực tiếp từ việc Anh ra đi là không lớn và các bất lợi đó có thể được bù đắp bởi các đàm phán song phương giữa hai nước.
Về xuất nhập khẩu và đầu tư, PGs.Ts. Lưu Ngọc Trịnh lưu ý Việt Nam cần tìm thêm thị trường mới để giảm sự đi xuống của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư từ Anh và EU.
Thận trọng trong thúc đẩy hội nhập
So sánh mô hình và phương thức hoạt động của ASEAN và EU, PGs.Ts. Lưu Ngọc Trịnh nhận định cả hai có nhiều khác biệt. Các nước EU hội nhập sâu hơn về kinh tế lẫn chính trị, an ninh và chính sách đối ngoại. Các quốc gia thành viên phải hy sinh một phần chủ quyền của mình khi trao quyền quyết định nhiều chính sách quốc gia cho các cơ quan của EU.
Điều này dẫn tới các mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia với lợi ích tổ chức và lợi ích các thành viên khác, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng.
Từ thực tế tồn tại của EU cho đến nay, đặc biệt là qua sự kiện Brexit, PGs.Ts. Lưu Ngọc Trịnh khuyến nghị ASEAN cần thận trọng trong việc thúc đẩy hội nhập, nhất là hội nhập về chính trị, an ninh cũng như trong các lĩnh vực nhạy cảm như di cư hay thị trường lao động.
“Có lẽ (hoặc chắc chắn) các nước ASEAN cũng hiểu rõ bài học này, và mức độ hội nhập hạn chế hơn và có chọn lọc hơn của ASEAN so với EU hiện nay là một minh chứng cho điều đó” – ông Trịnh lưu ý.
Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Văn Hiến, Brexit sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó đáng chú ý là việc tạo lập sự bình đẳng và đồng tình trong AEC.
Brexit cũng chính là bài học cho các nhà lãnh đạo AEC cân nhắc tiến trình hội nhập sao cho sát với nhu cầu của người dân. Điều đó đòi hỏi cần dành nhiều thời gian và tâm huyết cho người dân trong bối cảnh ASEAN đang trong tiến trình hội nhập nhanh chóng với quyết định xóa bỏ các hàng rào thuế quan cũng như đặt lộ trình bãi bỏ các hàng rào phi thuế quan trong nội bộ ASEAN vào năm 2025.
Thực tế cho thấy, các quốc gia không thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà luôn cần tìm kiếm lợi ích riêng trong lợi ích chung. Với thế và lực của mình, Việt Nam có thể hướng đến vị thế của một cường quốc tầm trung trong khu vực thông qua việc tích cực đóng góp vào quá trình hội nhập và phát triển của ASEAN.
Những lựa chọn trước mắt của Việt Nam, theo khuyến cáo của giới chuyên gia là nên phát huy vai trò tiên phong trong việc đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến khu vực, giữ vai trò điều hòa quan hệ quốc tế tại khu vực với tư cách là một thành viên năng động, tích cực, chủ động.
Thế Vinh