Mới đây, công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết bắt đầu từ ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng giá bán mới cho các dòng xe du lịch Kia, Mazda và Peugeot. Đây là giá bán đã giảm theo như thuế TTĐB của dòng xe có dung tích động cơ từ 2.0L trở xuống giảm 5%.
Cơ hội giảm giá không nhiều
Năm 2018 là cột mốc thuế nhập khẩu xe sản xuất và lắp ráp tại khu vực ASEAN về bằng 0%, đồng thời xe có dung tích động cơ từ 2.0L trở xuống có thuế suất thuế TTĐB giảm 5%.
Trong thời gian qua, Thaco cũng đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% vào năm 2018. Giá bán mà doanh nghiệp (DN) này công bố từ ngày 1/1/2018 chính là giá đã giảm khi thuế TTĐB giảm 5% cho dòng xe có dung tích động cơ dưới 2.0L.
Hãng xe nội số 1 của Việt Nam cho rằng việc công bố chính sách giá mới này chính là giá tốt nhất hiện nay.
Thaco chỉ điều chỉnh khi có sự thay đổi về tỷ giá ngoại tệ hoặc có chính sách thuế mới tác động đến sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ở một diễn biến khác, giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn còn đang có những quan điểm chưa thống nhất trong việc tính thuế TTĐB với ôtô.
Trên quan điểm muốn bảo vệ cho ngành sản xuất ôtô trong nước vốn vẫn còn bấp bênh, Bộ Công Thương cho rằng giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Nếu thực hiện theo cách thức này, tỷ lệ linh kiện “made in Việt Nam” càng lớn, giá ôtô do các nhà máy trong nước sản xuất sẽ có cơ hội giảm giá càng nhiều.
Tuy nhiên, do quan ngại đề xuất của Bộ Công Thương chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT), nên Bộ Tài chính vẫn muốn giữ quan điểm là giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều này có nghĩa giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Từ đây, có thể thấy những dự báo về ôtô nội địa giảm giá thêm để tăng tính cạnh tranh với xe nhập khẩu vẫn còn khá mong manh, dù nhiều người tiêu dùng vẫn đang kỳ vọng vào ôtô giá rẻ để có nhiều lựa chọn hoặc mua ôtô nhập hoặc mua ôtô nội.
![]() |
Tương lai phát triển công nghiệp sản xuất ôtô nội địa cần sự ổn định về mặt chính sách thuế, phí
Đừng sống nhờ bảo hộ
Năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ôtô Việt với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Từng có những cảnh báo với ngành công nghiệp ôtô trong nước nếu không nỗ lực hơn trong thời gian ngắn này, tương lai sẽ đối mặt với tình trạng nhập siêu lớn.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về phương án thuế TTĐB với ôtô, nhưng một số chuyên gia trong ngành này cho rằng phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Những DN ôtô vẫn sống nhờ bảo hộ, bất kỳ khi nào có nguy cơ giảm thuế đều đưa ra thông điệp: Sẽ không lắp ráp ở Việt Nam nữa, mà sẽ nhập thẳng về bán, vì nhập thẳng về bán sẽ rẻ hơn so với lắp ráp. Như vậy, ưu ái hay ưu đãi rõ ràng không tạo ra sức cạnh tranh.
Theo Ts. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam), tại sao các DN ôtô không tăng được tỷ lệ nội địa hóa, bởi không có nhà cung ứng nội địa. Không có nhà cung ứng nội địa là bởi không phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là không phát triển được DN quy mô vừa, những DN sẽ kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành các nhà cung ứng quan trọng nhất.
Còn theo quan điểm của ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), vấn đề là cần các chính sách minh bạch, dễ tiếp cận để các DN chủ động trong việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ngành ôtô.
Có thể thấy, thất bại thị trường của công nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô nội địa thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nền kinh tế không có khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất của ngành này; chất lượng kém của mạng lưới các nhà cung cấp trong nước và các ngành công nghiệp phụ trợ; thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D); bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không được thực thi đầy đủ.
Thực tế cho thấy nếu so với các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 – 70%, trong đó Thái Lan đạt tới 80%, thì tỷ lệ nội địa hóa của ôtô sản xuất ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Giới chuyên gia cho rằng nếu các nhà sản xuất ôtô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực.
Nhưng, điều mong mỏi nhất của các nhà sản xuất ôtô trong nước là chính sách thuế, phí cần sự đồng bộ và ổn định để không tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này trong giai đoạn cạnh tranh khắc nghiệt sắp tới.
Thanh Loan