Theo số liệu và tính toán của Bộ Công Thương, sản lượng khai thác và sản xuất than trong năm 2015 của toàn ngành than đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu than trong nước đang tăng rất cao với con số thống kê dự tính là: năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.
Không từ bỏ ý định xuất khẩu
Có thể thấy sự mất cân bằng cung – cầu sẽ khiến Việt Nam phải nhập khẩu nhiều than hơn trong giai đoạn 2017 – 2020 và năm 2030 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước. Thế nhưng, hiện nay, ngành than vẫn đang xuất khẩu than với số lượng không hề nhỏ.
Thực tế, nghịch lý này vẫn diễn ra nhiều năm nay, có thời điểm (giai đoạn 2006-2011) Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn than. Tuy nhiên, theo Ts. Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng trên thực tế, sản lượng khai thác than của Vinacomin ngày càng giảm trong khi nhu cầu của ngành điện ngày càng tăng. Song việc nhập khẩu than không hề đơn giản, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng khoảng 5,5 triệu tấn, năm 2020 khoảng 26,5 triệu tấn.
Nhằm “gỡ khó” cho ngành nhiệt điện trong nước, năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo dừng xuất khẩu nhiều loại than, trong đó có than cám, than cục để phục vụ làm nguyên liệu dự trữ cho các nhà máy điện trong nước giai đoạn 2017-2020.
Cũng về việc ngừng xuất khẩu than, trong năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp hai Thông tư số 14 và 15/2013 về quy định xuất khẩu than và dừng xuất khẩu than cám. Các loại than phục vụ nhà máy nhiệt điện không được phép xuất khẩu.
Từ một nước được coi là “thủ phủ vàng đen”, Việt Nam đang phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tìm mọi cách cứu nguy cho an ninh năng lượng quốc gia. Đây là một nghịch lý, và nghịch lý này cũng đã từng được cảnh báo.
Tuy nhiên, ngay cả khi khó khăn đã hiện hữu, ngành than vẫn không từ bỏ ý định xuất khẩu, dù lượng xuất khẩu cũng đã giảm so với thời kỳ “nóng nhất”.
Trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ trong ngày 28/3, Bộ Tài chính nêu rõ kế hoạch_xuất khẩu than_cục, than cám chất lượng cao trong thời gian sắp tới vì sản xuất và khai thác trong nước có dấu hiệu dư thừa; các loại than cám, than cục đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.
Được biết, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện trên cả nước chủ yếu dùng nguyên liệu là than cám, thậm chí khu vực miền Nam thường sử dụng lò đốt 600 MW nên không sử dụng than antraxit được mà phải sử dụng than cám 3, cám 4 chất lượng cao hơn.
![]() |
Đến năm 2020, ngành than sẽ phải nhập khẩu khoảng 26,5 triệu tấn
Có hay không lợi ích nhóm?
Có ý kiến cho rằng ngành than nên tập trung khai thác, quản lý để hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên than, như đã và đang xảy ra.
Dưới góc nhìn của vị chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành than khoáng sản, Ts Nguyễn Thành Sơn, Nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV),_phân tích: “Chúng ta đã từng là nước xuất khẩu năng lượng, nay đang chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng với mức độ ngày một tăng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Lý giải thêm về vấn đề này, Ts Sơn cho rằng lĩnh vực xuất-nhập khẩu than cho thấy rõ lợi ích nhóm. Việc xuất khẩu than là của TKV đòi độc quyền bằng được, còn khó khăn trong nhập khẩu thì dường như TKV đứng ngoài cuộc, và những doanh nghiệp sử dụng than phải tự xoay sở nhập khẩu than.
Trái với quan điểm của Ts Sơn, dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện vẫn sử dụng than cám chất lượng thấp để sản xuất, trong khi đó, lượng than chất lượng tốt, có giá trị cao mà trong nước không tiêu thụ hết hoặc không có nhu cầu thì xuất khẩu cũng là điều cần thiết, song song với việc tìm kiếm nguồn than NK phục vụ cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ than trong nước.
Trên thực tế, tại một số quốc gia khác vẫn đang áp dụng hình thức “xuất đi để bù lại nhập”. Phó Tổng Giám đốc TKV – ông Nguyễn Văn Biên – khẳng định vừa nhập, vừa xuất là chuyện hoàn toàn bình thường của một doanh nghiệp kinh doanh, không có gì là nghịch lý.
Theo ông Biên, hiện nay, chúng ta đang xuất khẩu những loại than mà trong nước hiện chưa dùng đến, có chất lượng tốt và giá lại cao. Loại thứ hai là quá xấu, không sử dụng đến. Hiện chỉ có một số dự án của TKV mới dùng đến loại than này, nên phải xuất khẩu để tăng doanh thu.
Đồng quan điểm với ông Biên, ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam, cho hay: “Ở bất kỳ nước nào cũng có chuyện nhập thì vẫn nhập, xuất thì vẫn cứ xuất, nhất là khi có những loại than tốt nhưng nhu cầu trong nước hạn chế, xuất đi một, được lời hai, ba lần. Ngoài ra, các nước phát triển nào cũng phải trải qua giai đoạn bán quặng thô, sau khi có tích lũy, trình độ thì mới giải quyết được tình trạng này”.
Thanh Hoa
Ông Đặng Hoàng An - Tổng Giám đốc EVN Hiện, EVN có 3 dự án sẽ phải dùng than nhập khẩu trong tương lai gần là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Duyên Hải 3 (1.200 MW). Với tổng công suất 3.000 MW thì nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Vì thế, EVN đang tiến hành các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy này đi vào hoạt động đảm bảo khai thác tối đa năng suất của từng nhà máy. Ông Nguyễn Trọng Khiêm - Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam Việc tính toán xuất, nhập cái gì xuất phát từ thực tế nguồn tài nguyên Việt Nam có sẵn và nhu cầu phát triển nền kinh tế. Vấn đề là phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối giữa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng với việc xuất khẩu để tạo nguồn thu. Ts. Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công Thương Hiện, Việt Nam là nước đang phát triển nên tiêu thụ điện năng vẫn thấp, trung bình là 1.000 Kwh/người. Đối chiếu với Thái Lan, con số hiện tại là 3.000kWh/người, Malaysia 7.000kWh/người, Singapore 40.000 Kwh/người. Yêu cầu phát triển là đương nhiên, và Việt Nam phải tính đến những kế hoạch nhằm có lợi nhất cho mình. Trong quy hoạch điện chạy than, để phát triển 7 đến 8% thì phải sử dụng rất nhiều than, vì các nguồn nhiên liệu sơ cấp khác ta không còn nhiều. Thủy điện không phát triển được nữa, khí đốt và dầu không nhiều nữa, không có cách nào khác, phải sử dụng than. Trong khi đó, nguồn than trong nước không cung đủ thì việc nhập khẩu than là giải pháp không thể không tính đến. |