Trong văn bản kiến nghị vừa gửi Thủ tướng và Chính phủ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nêu rõ nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về quy hoạch nguồn nguyên liệu và đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để xây dựng vùng nguyên liệu.
Phụ thuộc nguyên liệu
Các DN dệt may đang có sự mất cân đối trong cấu trúc sản xuất, hiện cả nước có khoảng 10.000ha trồng bông với sản lượng hàng năm chỉ đáp ứng 2% nhu cầu sản xuất trong nước, tương đương 12.000 tấn. Trong khi đó, các DN dệt may sử dụng khoảng 600.000 tấn bông tự nhiên, 400.000 tấn xơ các loại, nên phải nhập khẩu 589.000 tấn bông, chiếm 99% tổng nhu cầu bông.
Về xơ các loại nhập khẩu là 220.000 tấn, chiếm 54% tổng nhu cầu về xơ. Như vậy, các DN dệt may Việt Nam rất thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu, đây là điểm thiếu hụt trong chuỗi cung ứng hàng dệt may.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam – chia sẻ, ngành dệt chưa theo kịp nhu cầu về nguyên liệu phục vụ cắt may vì phần lớn DN dệt may tại Việt Nam, cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ tập trung thực hiện các đơn hàng cắt – may – hoàn thiện, chưa chú trọng đến việc sản xuất vải và phụ liệu.
Hơn nữa, điểm bất hợp lý nhất trong chuỗi cung ứng hàng dệt may chính là ở lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm. Mỗi năm, các DN trong nước sản xuất 3,6 triệu cọc sợi, với sản lượng đạt 514 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 334.000 tấn (tương đương 65%) phục vụ xuất khẩu, số còn lại đưa vào dệt tạo ra khoảng 1,2 tỷ mét vải mộc/năm phục vụ DN may. Tuy nhiên ngành may cần 6 tỷ mét vải/năm nhưng vì chủng loại, chất lượng vải của các DN Việt chưa đáp ứng được yêu cầu của hàng may mặc xuất khẩu, dẫn tới phải nhập khẩu khoảng 5,2 tỷ mét vải. Đồng thời các DN trong nước có khả năng nhuộm và hoàn tất 80.000 tấn vải đan và 700 triệu mét vải dệt mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 – 25% lượng vải dệt này đủ chất lượng để sản xuất thành phẩm xuất khẩu, trong khi vải đan hầu hết không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu và chỉ được dùng cho thị trường nội địa.
Ông Phạm Văn Tân – Giám đốc điều hành Vinatex – đánh giá, ngành dệt may hiện nay đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu tập trung khâu dệt nhuộm, dẫn đến phải nhập khẩu vải từ các quốc gia khác. Ngay như Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện đang đầu tư 41 dự án nhưng chỉ làm tốt ở khâu sợi và cắt may (hai khâu đầu – cuối), trong khi khâu phụ trợ, nhuộm đang dở dang.
Trên thực tế, đây không phải vấn đề mới mà là thực trạng nhiều năm nay vì dệt may luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Mặc dù tăng kim ngạch xuất khẩu liên tục qua các năm nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành dệt may còn thấp do tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT (cắt may và hoàn thiện sản phẩm), phương thức xuất khẩu đơn giản nhất của ngành dệt may và mang lại giá trị gia tăng thấp nhất, chiếm đến 60%; theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) chiếm 35%; và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất).
![]() |
Khó khăn nhất với ngành dệt may không phải thị trường mà là tự chủ nguyên phụ liệu
Do đó, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may còn thấp, chỉ khoảng 30% so với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lợi nhuận trên dưới 10% và nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm 70 – 80%. Dẫn tới, tỷ lệ DN hiện tận dụng những ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) của ngành dệt may còn khá thấp. Như thông qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 55,6% trong năm 2015 và đạt 57,2% trong năm 2016.
Theo các DN, nguyên nhân là vì đa số nguyên phụ liệu để sản xuất hàng dệt may tại Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… cho nên các DN dệt may vẫn khó mở rộng thị trường xuất khẩu dù Việt Nam đã đàm phán và tham gia khá nhiều FTA.
Vì vậy, yêu cầu đầu tư vùng nguyên liệu hiện nay trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và để làm được điều này cần kêu gọi các dự án kéo sợi, dệt may đồng bộ, cũng như phải phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành may nhằm hạn chế nhập khẩu làm tăng giá thành sản phẩm.
“Cầu cứu” Chính phủ
Dưới góc độ DN, Vinatex cho rằng công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển. Tình trạng “nút cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm khiến vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu) đã tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương cho DN. Chưa kể, tình trạng hàng nhập lậu vải và nguyên phụ liệu dệt may tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho DN nội địa. Cụ thể, vải nhập lậu được bán trong Tp.HCM với giá chỉ 6.000 – 7.000 đồng/mét. Nếu không có biện pháp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm may mặc.
Nguyên nhân là do việc phát triển cây bông, cây dâu tằm và một số cây nguyên liệu rất khó tiếp cận đất đai, cánh đồng lớn để đưa vào được cơ giới và công nghệ cao cũng như phát triển cây nguyên liệu năng suất cao.
Cho nên, ngành dệt may cần có các khu công nghiệp lớn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm. Hiện nay, chỉ có vài khu công nghiệp nằm rải rác tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Bình Dương và Đồng Nai nhưng diện tích hạn chế.
Như khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (tại Hưng Yên) là khu công nghiệp đặc thù của miền Bắc dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ nhưng diện tích chỉ hơn 121,8ha. Tương tự, khu công nghiệp dệt may Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) diện tích đất quy hoạch cũng có 102ha, diện tích đất cho sản xuất 70ha.
Vì vậy, Vinatex đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến 2035, tầm nhìn đến 2050 để đưa ra những chính sách cụ thể, nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ; thu hút và khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất nguyên liệu chính của ngành dệt may, da giày và điều kiện bảo đảm sản xuất xanh – sạch… Đề nghị Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo các địa phương ủng hộ đầu tư dệt, nhuộm.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài từng cho rằng đầu tư vào dệt, nhuộm của ngành dệt may vẫn rất cần thiết song không thể không có khu chuyên biệt về dệt, nhuộm, may. Việc quy hoạch khu chuyên biệt này sẽ có lợi nhiều mặt từ môi trường cho tới logistics, từ đó dễ nâng cao năng suất sản phẩm từ đầu vào tới đầu ra.
Bên cạnh đó, trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, theo các chuyên gia, khâu may mặc tạo ra nhiều việc làm và phù hợp với khả năng của các DN trong nước, vì vậy không nên thu hút thêm các DN FDI vào dệt may. Thay vào đó, chỉ nên thu hút FDI vào khâu dệt, nhuộm nhưng nên chọn vị trí đầu tư, yêu cầu môi trường khắt khe, lựa chọn những dự án công nghệ hiện đại. Đặc biệt, ưu tiên những nhà đầu tư có liên kết với DN Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Hiện nay, dệt may đã kết hợp, liên kết với các nhà cung cấp nước ngoài để tạo ra sản phẩm giá trị. Mặc dù có giá trị xuất khẩu lớn nhưng không làm được theo chuỗi khép kín nên thực tế giá trị thu về không cao. Cần có phương thức thay thế công nghiệp gia công để tăng giá trị cao hơn. Bà Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Thương mại Các DN dệt may Việt Nam cần phát triển các khu công nghiệp lớn để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và hoàn tất. Đồng thời các DN dệt và nhuộm hiện nay cần tiếp tục mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM Ngành dệt may đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhu cầu dệt may ở các thị trường xuất khẩu đều giảm vì kinh tế thế giới chưa thật sự ổn định. Thêm vào đó, DN dệt may trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước Campuchia, Malaysia… Chúng ta phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá nhiều so với các nước khác. |