Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đã được UBND Tp.HCM xúc tiến thông qua việc ký kết bản ghi nhớ hôm 8/2 với Tập đoàn IPP của tỷ phú Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn.
“Nuôi” tham vọng trung tâm tài chính quốc tế
Phía IPP cho biết sẽ thuê tư vấn đẳng cấp quốc tế và trong nước để xây dựng đề án và mời các ty tài chính uy tín của Mỹ tham gia tư vấn hoàn thiện đề án. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP, đã cam kết sẽ bàn giao đề án này cho Tp.HCM sớm 60 ngày so với thời gian đã ký kết.
![]() |
Để tạo sức hút đầu tư mới đòi hỏi Tp.HCM cần ưu tiên phát triển cụm ngành. |
Thực ra, việc xây dựng Tp.HCM trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm nay đã tác động không nhỏ cho việc này.
Theo Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, đã có những ý kiến thảo luận cho rằng nên xây dựng Tp.HCM thành một Trung tâm tài chính khu vực, tuy nhiên ý tưởng này có thể vấp phải một số thách thức trong trung hạn.
Giới chuyên gia từng lưu ý, để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế thì thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước cần đưa ra lộ trình có 3 giai đoạn, thời gian đạt tới đích có thể mất hơn 20 năm nữa. Giai đoạn đầu năm 2021 - 2025 là giai đoạn xây dựng khẳng định vai trò của Trung tâm tài chính quốc gia.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, Tp.HCM sẽ nâng lên vai trò một Trung tâm tài chính khu vực và sau đó khoảng 10 - 15 năm sau hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn là nếu không “nuôi” tham vọng ngang bằng và vượt trội với các Trung tâm tài chính quốc tế lớn hiện nay, liệu việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Tp.HCM có thành công hay không, cũng như những đòi hỏi thay đổi về thể chế và chính sách và lựa chọn mô hình, bước đi…
Còn nhìn vào bối cảnh hiện tại ở một thành phố vốn từng là “tâm dịch” Covid-19 với nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra từ những gián đoạn như hồi năm 2021, Ts. Schrage nhấn mạnh giờ là lúc lãnh đạo Tp. HCM cùng các doanh nghiệp (DN) tư nhân và tổ chức phi chính phủ nên xem xét hướng phát triển tiếp theo của thành phố trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như thu hút nhân lực đang diễn ra gay gắt trên toàn khu vực.
Theo đó, sau những kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 gần đây, Tp.HCM đang bước vào năm mới với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm củng cố vị thế “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Trong việc tạo sinh khí mới để thu hút đầu tư, vị chuyên gia của RMIT lưu ý đến việc ưu tiên phát triển cụm ngành. Thách thức đối với thành phố là làm thế nào để tiếp tục đà xây dựng các cụm ngành.
Tăng năng lực cạnh tranh
Chẳng hạn, Khu công nghệ cao Tp.HCM được các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân xác định là một cụm để tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển phần mềm và sản xuất có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần xem xét nhiều hơn đến việc phát triển các cụm khác để tăng sức hấp dẫn của nơi này đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như thành phố có thể cân nhắc xây dựng cụm ngành du lịch, không chỉ bao hàm các khách sạn mà còn nhiều bên cung cấp dịch vụ liên quan cho ngành này như tư vấn kinh doanh, kiến trúc, đào tạo và phát triển, hay thậm chí là các DN chuyên sản xuất đồ vệ sinh cá nhân dùng trong khách sạn.
Mặc dù gần như ngưng trệ trong 2 năm qua, ngành du lịch dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022 và sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi giá trị du lịch.
“Nhìn chung, có nhiều cơ hội để Tp.HCM xây dựng nhiều cụm ngành bài bản hơn dựa trên lợi thế về lực lượng lao động, quyết tâm chinh phục tương lai của lãnh đạo thành phố và giới DN, cũng như cơ sở hạ tầng vẫn liên tục được cải thiện”, Ts. Schrage nói.
Ngoài ra, điều mà Tp.HCM cần làm trong lúc này là chuẩn bị đón nhận đầu tư công nghệ cao. Nhất là khi thành phố này đang đi đúng hướng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ.
Điển hình là tập đoàn công nghệ Intel vào năm 2021 đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) tại Khu công nghệ cao Tp.HCM.
Theo giới chuyên gia, ngoài khía cạnh đầu tư về vốn con người, các công ty công nghệ nước ngoài còn mong muốn được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Họ không sản xuất “tài sản hữu hình” như áo sơ mi hay linh kiện xe hơi, mà là “tài sản vô hình” như mã máy tính, ứng dụng điện thoại, hoặc công nghệ mới để sản xuất năng lượng sạch.
Cho nên, các nhà đầu tư công nghệ cần một khuôn khổ ổn định và có thể dự đoán nhằm đảm bảo rằng quyền sở hữu của họ với các tài sản vô hình được bảo hộ. Vì vậy, Tp.HCM nên thực thi nghiêm túc tất cả các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và cho các công ty công nghệ thấy rằng tài sản quan trọng của họ được bảo vệ.
Thế Vinh