Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam diễn ra sáng ngày 22/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam luôn dành sự quan tâm cho an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển năng lượng. Đến nay, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được thành tựu rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu điện năng cho phát triển quốc gia.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra một số hạn chế cần khắc phục trong phát triển năng lượng như năng lượng sơ cấp ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt, các dự án nguồn điện chậm tiến độ, quy hoạch điện VII đang gặp nhiều khó khăn do quan ngại môi trường, vốn lớn, nhiều dự án thiếu vốn, ngay cả doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường điện cạnh tranh chưa đồng bộ, chính sách giá bất cập....
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000 MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần khoảng từ 7-10 tỷ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng: "Việt Nam cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực để phát triển nguồn điện. Chính phủ đang tập trung nguồn lực để sửa luật liên quan, xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển nguồn điện, hệ thống truyền tải, cơ chế đầu tư đấu thầu phù hợp" .
Theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương đẩy nhanh lập quy hoạch điện lực quốc gia, xác định quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, đảm bảo tự chủ năng lượng, trong đó, giảm dần các nguồn nhiệt điện giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường để tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực hiện theo giá thị trường, có sự kiểm soát của nhà nước và sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm vào năm 2022.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần có cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, cơ chế tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, ông Bình kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện, xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Thy Lê