Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt với 11 loại nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm…) có năng suất dẫn đầu thế giới nhưng khâu chế biến và tiêu thụ còn rất yếu.
Loay hoay đầu ra
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, chia sẻ, những năm qua đã chứng kiến liên tiếp tình trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc “giải cứu” nối tiếp nhau như chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi), khủng hoảng thịt lợn lan rộng…
Kết nối cung – cầu thực phẩm an toàn được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Điều này không chỉ xảy ra với sản phẩm sản xuất đại trà, chưa tuân thủ các quy trình đảm bảo an toàn, mà ngay cả với sản phẩm an toàn.
Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến NTD chưa có nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm sạch.
Là một trong đơn vị đầu tiên làm nông nghiệp hữu cơ nói chung và chăn nuôi hữu cơ nói riêng trên cả nước, ông Nguyễn Đại Thắng, công ty CP Trang trại Bảo Châu, chia sẻ tiêu thụ sản phẩm là điểm mấu chốt cho tồn tại của nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, qua nhiều năm theo dõi, ông Thắng nhận thấy có không ít cá nhân, tổ chức làm nông nghiệp hữu cơ đã thất bại do không làm tốt khâu đầu ra bền vững của sản phẩm. Một trong những nguyên nhân là do gặp vô vàn khó khăn, trở ngại khi tự mình làm thị trường.
Quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tiêu chuẩn organic (siêu sạch và hoàn toàn hữu cơ) được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, giá trị tổng thị trường organic tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM ước đạt 400 tỷ đồng/năm trong vài năm sắp tới.
Tuy nhiên, đến nay, NTD vẫn chưa thấy sự khác biệt giữa thực phẩm sạch, thực phẩm nhà trồng và thực phẩm organic. Do vậy, đầu ra của nông sản organic còn bế tắc.
Theo ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP An Việt, nhiều địa phương trên cả nước có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, nhưng khâu tiêu thụ lại rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu, khó đáp ứng những giấy tờ cần thiết đúng yêu cầu, thủ tục đặt ra.
“Đa phần các hộ nông dân không hiểu phải làm thủ tục, giấy tờ thế nào nên không thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại. Vì thế, sản xuất và tiêu thụ kết nối với nhau chưa dễ dàng”, ông Nam đánh giá.
Bên cạnh đó, công tác marketing truyền thông quá yếu kém. Nhà sản xuất giỏi sản xuất nhưng chưa giỏi đưa hình ảnh thông tin cần thiết đến đơn vị phân phối, NTD. Đồng thời, tính ổn định, chất lượng, quy chuẩn sản phẩm và thủ tục pháp lý còn nhiều vấn đề.
![]() |
Vì sao nhiều nông sản sạch chưa có cửa vào siêu thị?
Thắt chặt mối liên kết theo chuỗi
Tại Hội thảo Nông sản an toàn, kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và NTD ngày 25/12, đại diện công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Vingroup), chia sẻ khó khăn lớn nhất trong việc liên kết với bà con nông dân là tính tuân thủ trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa cao.
Đại diện VinEco cho biết, áp dụng chuẩn VietGap, bà con phải ghi chép sổ sách hàng ngày phục vụ cho việc truy xuất dữ liệu. Nhân viên công ty xuống tận nơi hỗ trợ thông tin giúp bà con thực hiện điều này, nhưng khi họ về thì bà con lại quên theo dõi.
Bên cạnh đó, diện tích nông nghiệp có nhiều nhưng bà con chưa quy hoạch chỗ này trồng gì, chỗ kia trồng gì nên sản lượng không đạt mong muốn, thậm chí nhiễm bệnh chéo.
Khó khăn lớn nhất là khó đáp ứng tiêu chuẩn đóng gói và sơ chế. “Nhiều hộ sản xuất nói phải “đẹp như hoa hậu”, làm sao mà đáp ứng được. Tuy nhiên, người nông dân không biết rằng phục vụ khách hàng cao cấp, rau đã sản xuất an toàn nhưng mẫu mã phải đẹp, bắt mắt mới thu hút khách hàng trên quầy kệ siêu thị”, đại diện VinEco chia sẻ.
Ngoài ra là do điều kiện cơ sở vật chất, giao hàng gặp khó khăn. Nhiều nông hộ sản xuất được nhưng khâu vận chuyển lên nhà sơ chế của VinEco đang gặp nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Rau củ quả Yên Phú (Hưng Yên), cho rằng để sản phẩm nông nghiệp sạch làm ra tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại, việc đầu tiên là sản phẩm phải an toàn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiếp đó mẫu mã phải bắt mắt.
“Giá của sản phẩm an toàn phải ở mức NTD chấp nhận được, khi thị trường lên phải giữ nguyên giá, nếu giá có xuống thì phải đảm bảo chất lượng”, ông Huy nói.
Kể về những ngày đầu đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, ông Huy cho biết đây là một quá trình rất khó khăn, từ quy cách đóng gói, mẫu mã chất lượng đến các giấy tờ, tiêu chuẩn mà phía siêu thị yêu cầu. Để làm được cần phải học tập kinh nghiệm của các đơn vị đi trước.
Ông Huy nêu quan điểm: “Đưa hàng vào siêu thị không phải quá khó, mà quan trọng hơn, bà con phải làm đúng quy trình thủ tục để sản phẩm an toàn, mẫu mã đẹp và được thị trường chấp nhận, ắt siêu thị sẽ chấp nhận”.
Để giải quyết bài toán thị trường đầu ra cho nông sản, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với DN, HTX và người dân. Các lĩnh vực cần tổ chức theo mô hình HTX, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các HTX, người dân sẽ có được thông tin thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất.
Theo ông Đào Văn Hồ, sản xuất nông sản an toàn cần hướng đến những gì thị trường cần, không phải bán cái mà chúng ta có. Để tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho nông sản an toàn, vai trò của chính quyền các địa phương là rất quan trọng trong việc kết nối DN với nông dân và các cơ sở sản xuất nông sản an toàn.
Kiến nghị cụ thể về đầu ra cho nông sản hữu cơ, ông Thắng cho rằng phải tạo ra chuỗi từ sản xuất đến phân phối tận tay NTD có sự ràng buộc trong các mối liên kết hữu cơ với nhau vì mục tiêu chung cùng có lợi.
“Việc làm tốt khâu quảng bá sản phẩm, trước mắt yêu cầu Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam bằng phương pháp tự thân phải làm tốt khâu tuyên truyền giới thiệu sản phẩm cho hội viên của mình bằng tờ báo, tạp chí, facebook”, ông Thắng kiến nghị.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Hiện, ngành nông nghiệp mới chỉ làm tốt khâu sản xuất, 2 khâu còn lại là chế biến và phát triển thị trường còn yếu kém. Phần lớn các sản phẩm phải giải cứu đều thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, không liên kết theo chuỗi. Vì thế, tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường là yêu cầu cấp thiết. Để phát triển nông nghiệp bền vững, Chính phủ cần có những chính sách làm rõ sự khác biệt trong việc khuyến khích ưu đãi cho đối tượng từ người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà đầu tư thấy được sự rõ ràng trong việc sản xuất, đầu tư giữa 2 xu hướng nông nghiệp hóa học và nông nghiệp thân thiện môi trường (chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách thị trường…). Trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, một nông dân có thể chỉ sản xuất theo kiểu tự cấp thì được nhưng muốn sản xuất hàng hóa thì phải kết hợp lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm và giá phải cạnh tranh. |