Thị trường XK hàng NSHC của Việt Nam hiện nay chủ yếu là các nước phát triển như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Canada, Bỉ, Hà Lan, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, một số mặt hàng thủy sản hữu cơ như tôm, cá tra của Việt Nam cũng được khách hàng các quốc gia nhập khẩu đánh giá tốt, mua giá cao hơn 30% so với tôm, cá tra thông thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sản lượng XK chưa nhiều, kim ngạch chỉ vào khoảng 10 triệu USD.
Doanh thu còn khiêm tốn
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đến nay đã có hơn 50 công ty Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với các mặt hàng nông sản. Các mặt hàng được chứng nhận gồm rau, củ, dừa và sản phẩm từ dừa, gạo, trái cây sấy…
Trên thực tế, doanh thu thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% giá trị của thế giới, khoảng 5 triệu Euro, gần bằng một nửa của Thái Lan (12 triệu Euro). Theo ước tính, đến cuối năm 2017, sản phẩm hữu cơ ra thị trường Việt Nam khoảng 1 tấn/ngày.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về giải pháp phát triển NSHC Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM ngày 27/12, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), bày tỏ băn khoăn về nghịch lý của NSHC Việt nằm ở mức giá cao hơn các loại nông sản thông thường, trong khi hình thức lại không bắt mắt. Hiện nay, những người bán hàng hữu cơ rất “đau đầu” chuyện này. Họ cho rằng nếu không có sự hỗ trợ từ hệ thống truyền thông thì sẽ “làm không lại những câu hỏi của NTD”.
Về hệ thống phân phối nội địa, qua khảo sát của Hội DN HVNCLC, các cửa hàng đơn lẻ bán sản phẩm hữu cơ khá nhiều, gồm các cửa hàng trên những tuyến phố và khu dân cư, các cửa hàng online và kênh phân phối online hoặc những siêu thị như Coop.mart, Lotte, Satra. Ngoài ra, còn có các trang facebook của các cá nhân có nhãn hiệu riêng tự xưng về sản phẩm hữu cơ và bán tổng hợp nhiều kiểu khá hấp dẫn.
Có thể thấy, những sản phẩm hữu cơ được mua – bán trên thị trường (đặc biệt là ở Hà Nội và Tp.HCM) là những sản phẩm nhập khẩu và những sản phẩm được chứng nhận, sản xuất tại Việt Nam.
Về con số hơn 50 DN được USDA chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, một chuyên gia cho biết khi đến những DN này thì được biết họ chỉ sản xuất dựa trên bao tiêu hết từ phía thị trường Mỹ hoặc ở những thị trường XK khác.
Cho nên, số DN thuộc loại HVNCLC trong lĩnh vực sản xuất NSHC hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Vinamilk, TH Truemilk, Vinamit, Co.op mart, Viễn Phú…
Ông Vũ Hoàng Anh, Giám đốc nhãn hàng riêng của Co.op mart, cho biết, riêng tại Tp.HCM, dung lượng thị trường thực phẩm hữu cơ hiện vào khoảng 14 tỷ đồng/tháng, còn ở Hà Nội là 19 tỷ đồng/tháng.
![]() |
Nghịch lý của nông sản hữu cơ Việt nằm ở mức giá cao hơn các loại nông sản thông thường,
trong khi hình thức lại không bắt mắt
Những thách thức còn lại
Qua khảo sát của Co.op mart cùng với Nielsen Việt Nam, nhu cầu mong muốn của NTD trong nước đối với việc tiêu thụ NSHC là rất lớn, vào khoảng 192 tỷ đồng/tháng tại Tp.HCM và Hà Nội.
Theo ông Anh, quan ngại lớn của NTD với sản phẩm hữu cơ là giá cao và chưa yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất cản trở quyết định mua sản phẩm của NTD. Còn thực chất nhu cầu của NTD là rất lớn, nhưng chưa hiểu sâu về giá trị sản phẩm hữu cơ như thế nào và có sự nhầm lẫn sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch.
Về sản xuất NSHC, thống kê từ Hiệp hội NSHC Việt Nam cho thấy cả nước hiện có 26 đơn vị, với diện tích 4.100ha, tập trung ở 15 tỉnh, thành. Tuy nhiên, việc sản xuất NSHC hiện nay cơ hội thì ít, khó khăn thách thức thì nhiều.
Theo Bộ NN&PTNT, cũng đã có 33/63 tỉnh, thành có mô hình sản xuất NSHC. Tuy nhiên, diện tích (kể cả thu hái tự nhiên và trên 20.000ha mặt nước thủy sản hữu cơ) cũng mới đạt khoảng 70.000ha, đứng thứ 56/172 nước.
Hiệp hội NSHC Việt Nam nhận định nguyên nhân chủ yếu là do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí chứng nhận cao và phức tạp, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định…
Lưu ý về sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sản phẩm hữu cơ hiện nay, ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội NSHC Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty CP Phân bón Bình Điền, mong rằng cần phải loại bỏ được các sản phẩm “đội lốt” hữu cơ, đang gây ra sự hoài nghi của NTD trong và ngoài nước. Để làm được điều này, cần sớm hình thành hệ thống tổ chức chứng nhận quốc gia với hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trước đây (năm 2015), Bộ KH&CN có công bố bộ tiêu chuẩn về sản xuất, sơ chế, dán nhãn đối với sản phẩm NSHC.
Tuy nhiên, vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN phối hợp Bộ NN&PTNT rà soát lại bộ tiêu chuẩn này nhằm vừa đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế vừa đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện, quy trình sản xuất của Việt Nam.
Thế Vinh