Theo điều 31 Luật QC và công văn số 2310 của Bộ VHTTDL, trước khi lắp dựng công trình QC (như bảng QC có diện tích lớn hơn 20m2 gắn vào công trình xây dựng có sẵn; biển QC đứng độc lập có diện tích lớn hơn hoặc bằng 40m2) các tổ chức, cá nhân kinh doanh QC phải thực hiện việc xin giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng tại địa phương.
Bất cập trong quản lý
Cũng theo điều 29 của luật này thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh QC phải lập hồ sơ thông báo sản phẩm QC gửi Sở VHTTDL xem xét cấp Giấy tiếp nhận QC. Trong thành phần hồ sơ thông báo sản phẩm QC phải có giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, đối với các công trình QC đã được xây dựng trước ngày 01/01/2013 ( khi luật QC chưa có hiệu lực) thì theo Pháp lệnh QC số 39/2001/ PL – UBTVQH10 ngày 16/11/2001 không quy định phải có giấy phép xây dựng công trình. Do vậy rất nhiều công trình quảng cáo đã xây dựng mà không có giấy phép xây dựng.
Mặt khác, theo Luật Xây dựng năm 2013, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Do vậy, Sở Xây dựng không thể cấp phép xây dựng cho các công trình đã được xây dựng (ngoại trừ trường hợp sửa chữa, di dời) theo quy định. Đây chính là vướng mắc dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân không thể hoàn thiện hồ sơ thông báo sản phẩm QC để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy tiếp nhận QC.
Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó TGĐ công ty cổ phần ACS Việt Nam, cho biết: “Từ tháng 9/2015 khi sở VHTT& DL ra công văn thông báo với nội dung: để được cấp giấy tiếp nhận QC thì trong hồ sơ phải có Giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp tôi có hơn 20 biển QC tấm lớn ngoài trời, những công trình QC này đều được xây dựng từ năm 2000 và được UBND thành phố cho phép, như vậy thì bây giờ lấy đâu ra giấy phép xây dựng. Và từ đó đến nay, chúng tôi cũng dừng không treo thêm được bất kỳ biển QC nào, doanh nghiệp bị thiệt hại, mất uy tín với khách hàng”.
![]() |
Luật Quảng cáo quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh QC phải thực hiện việc xin giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng tại địa phương.
Không trong quy hoạch, vẫn…treo
Qua ba năm Luật QC có hiệu lực, Bộ VHTT& DL đã có công văn tới các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch QC theo quy định. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch QC mới tại nhiều địa phương đến nay vẫn chưa xong, nhiều biển quảng cáo vẫn “nhởn nhơ” – thích đâu đặt đó.
Tại cuộc họp mới đây ở Hải Phòng nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho hoạt động quảng cáo ngoài trời, các sở ngành liên quan và doanh nghiệp tham dự cuộc họp cũng thẳng thắn thừa nhận: Trong khi quy hoạch, điều chỉnh QC mới chưa có nhưng khảo sát các công trình QC hiện nay cho thấy có rất nhiều biển QC độc lập, biển QC gắn tường không nằm trong quy hoạch QC ngoài trời được dựng lên, không đảm bảo các quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, không đảm bảo khả năng an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong sử dụng…
_Dọc các tuyến Quốc lộ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố như quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long – Nội Bài…. có gần 500 biển quảng cáo tấm lớn, trong đó hơn 200 biển sai phạm như hết hạn giấy phép mà không gia hạn, không có giấy phép, hoặc thực hiện sai phép._
Hay như ở thành phố Hải Phòng, tại đường vòng cầu Niệm hiện đang treo biển QC sữa Mộc Châu diện tích 120m2; QC bột giặt OMO tại 169 Tô Hiệu với diện tích lên tới 128m2, và khoảng gần 20 biển quảng cáo cỡ lớn tại khu vực ngã 6 ( ngã 5 cũ) thuộc địa bàn quận Ngô Quyền đều của các thương hiệu như trà xanh, dầu ăn, sim điện thoại, dầu gội đầu… đều với kích thước trên 100 m2.
Ông Phạm Văn Luân – Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL cho biết: Thanh tra sở luôn tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Cuối năm 2015, “Thanh tra Sở đã xử phạt liên tiếp 6 trường hợp QC vi phạm các quy định liên quan, phạt tiền 240 triệu đồng”.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, đại diện các Sở, ngành đã đề xuất phương án: Đối với các biển QC đã được xây dựng, các đơn vị kinh doanh QC thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực lập hồ sơ bản vẽ thực trạng, tính toán và kiểm định chất lượng công trình hiện trạng, gửi Sở VHTT& DL lấy ý kiến về sự phù hợp quy hoạch QC ngoài trời; gửi Sở Xây dựng để lấy ý kiến về sự phù hợp quy hoạch xây dựng, mỹ quan đô thị, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành; gửi Sở GTVT lấy ý kiến về việc đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực (trường hợp công trình QC nằm trong đất hành lang đường bộ). Trường hợp biển quảng cáo phù hợp với các quy hoạch nêu trên thì Sở VHTT& DL có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy tiếp nhận quảng cáo.
Trường hợp biển QC phù hợp với các quy hoạch nêu trên nhưng không đảm bảo một trong các yếu tố về an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, tiêu chuẩn, quy chuẩn thì các đơn vị kinh doanh QC có trách nhiệm lập hồ sơ cải tạo, sửa chữa hoặc di dời công trình, gửi Sở Xây dựng xem xét cấp giấy phép xây dựng cải tạo, sửa chữa hoặc di dời. Trường hợp biển QC không phù hợp với các quy hoạch nêu trên, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng theo quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó TGĐ công ty cổ phần ACS Việt Nam chia sẻ: “Các sở, ngành có liên quan cần nhanh chóng vào cuộc đóng góp ý kiến để UBND Thành phố sớm bổ sung, hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển QC mới để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đồng thời nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này”.
Thanh Vân