![]() |
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. (Ảnh: VGP) |
Đây là thông tin được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, được tổ chức chiều ngày 30/10.
Theo đó, từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, lần đầu tiên trong nhiều năm lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá rất kỹ, rất rõ về chỉ đạo điều hành và cảnh báo thiên tai. Ngay từ đầu tháng 1, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo năm nay có khoảng 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn.
“Chúng tôi cũng cảnh báo trước 15 ngày trước trận lũ lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, ông Hiệp cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đợt thiên tai lần này rất dị thường và bất thường, chưa bao giờ 20 ngày mà có 4 trận bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Do đó, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Trả lời về biện pháp đối phó với các hình thái mưa lũ cực đoan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, các công trình nhà dân chủ yếu vẫn chống chọi được; thiệt hại chủ yếu là mái tôn, cổng và vách kính. Còn để chống chọi với lũ lụt, nhiều địa phương đã xây dựng các loại nhà chống lũ cao 10-15m, hoàn toàn có thể vượt qua đỉnh lũ lịch sử. Các hộ dân có thể tích trữ lương thực và sống an toàn tại đây trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, đối với lũ quét và sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được. Biện pháp quan trọng nhất là người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
“Chúng ta đã có bản đồ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhưng tỷ lệ là 1/20.000 đến 1/50.000, mỗi xã chỉ là một chấm nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa về tỷ lệ 1/500 thì mới ứng dụng được vào thực tiễn”, ông Hùng cho hay.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tại phiên họp Chính phủ sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã dành một phút mặc niệm đến cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ phức tạp, thiệt hại vô cùng lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thủ tướng rất chia sẻ những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang gánh chịu, cùng với sự hy sinh của quân nhân, chiến sĩ, cán bộ công an thiệt mạng trong khi ứng phó, cứu trợ mưa lũ. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức, tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống an toàn bình yên của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện trực tiếp, chỉ đạo các cơ quan phòng chống thiên tai ở Trung ương, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành. Thủ tướng cũng thường xuyên trao đổi với lãnh đạo quân đội, công an, đưa ra nhiều giải pháp, huy động lực lượng để cứu nạn, cứu hộ tại các tỉnh miền Trung.
Hoàng Hà