Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…
Sức ép tăng trưởng
Thực tế, Việt Nam đã bước qua quý I/2017 với mức tăng trưởng 5,1%, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, đây là kết quả gây ngạc nhiên vì kỳ vọng chung trước đó vào thời điểm cuối năm 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào năm 2017.
Như vậy, Chính phủ hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước.
Ông Thành đánh giá, cuối năm 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2016 là 6,7% nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối năm 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho năm 2017. Tuy nhiên, với kết quả 5,1% trong quý I này, ba quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong hệ thống Nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể.
“Đúng là trong điều hành kinh tế, có một số chỉ số vĩ mô bị ràng buộc bởi GDP như tỉ lệ thâm hụt ngân sách (bội chi) và nợ công. Trong các chỉ số đó, GDP theo giá danh nghĩa được dùng làm mẫu số, nếu không đạt được mục tiêu trong một năm, trần nợ công 65% hay tỷ lệ bội chi 3,5% sẽ không thể duy trì được”, ông Thành cho biết.
Đồng thời kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7%, trong khi năm 2016 không đạt, cho nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt, những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.
Về dài hạn, bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu đối với Việt Nam là có thực. Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra, nếu tăng trưởng bình quân đạt dưới 6%, Việt Nam 20 năm nữa vẫn thua nhiều nền kinh tế châu Á ngày hôm nay.
“Biết rằng chỉ số GDP dùng làm thước đo phát triển kinh tế có khiếm khuyết nhưng vẫn phải tăng GDP ở mức cao. Và trong khi chưa có một thước đo tốt hơn, chỉ số GDP vẫn phải được dùng tới. Vấn đề quan trọng là cách làm để đạt tăng trưởng GDP nhanh và hiệu quả”, ông Thành nhận định.
PGs.Ts. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận: Quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay của Chính phủ là hoàn toàn chính đáng vì nếu không đạt được, kinh tế Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. Đặc biệt là tâm lý bi quan tăng trưởng thấp sẽ được hình thành.
Tuy nhiên, điều mà Ts. Sơn băn khoăn chính là tính bền vững của các giải pháp ngắn hạn này, khi có nhiều rủi ro đi kèm. Nếu khai thác thêm dầu, than, xuất khẩu khoáng sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cho các doanh nghiệp (DN) nếu giá mặt hàng này trên thế giới biến động và đặc biệt, thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên.
Ngoài ra, Ts. Sơn lo ngại rằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công dễ dẫn đến hiệu quả thấp, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, cứ lặp đi lặp lại sẽ chèn lấn đầu tư của khối tư nhân; hay về tăng trưởng nông nghiệp, đi kèm rủi ro đầu ra, để rồi phải giải cứu nhiều mặt hàng nông sản như vừa qua.
![]() |
Có nhiều giải pháp tăng trưởng kinh tế mà không cần phải khai thác thêm dầu thô, than, khoáng sản
Nếu làm được, tăng trưởng 8-9%
Trước thực tế này, Ts. Sơn đề xuất, nên đưa ra các kịch bản tăng trưởng trong năm 2017 như tăng trưởng 6,2%; 6,4% và 6,7%. Chính phủ phấn đấu đạt được kịch bản tốt nhất nhưng không thể bằng mọi giá, vì tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào những yếu tố dài hạn.
Ts. Sơn liệt kê một loạt giải pháp thúc đẩy tăng trưởng như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đặc biệt, cần có chương trình nâng cao năng lực ở cấp thừa hành, nếu năng lực cán bộ không được nâng lên, những ý tưởng cải cách chắc sẽ không làm được.
Đặt câu hỏi làm thế nào để không phải khai thác thêm tài nguyên mà vẫn tăng trưởng tốt, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế – tài chính ngân hàng, cho rằng không nhất thiết khai thác thêm dầu, than vì khó bán. “Nếu trường hợp không xuất khẩu thêm 1 triệu tấn dầu thô, cần kích thích tiêu dùng để tiêu dùng tăng thêm 1%, số thu về sẽ gấp bốn lần so với 1 triệu tấn dầu mang lại”, ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, dịch vụ là lĩnh vực có tiềm năng lớn tại Việt Nam, đặc biệt là du lịch. Nếu năm nay, du lịch tăng trưởng 30%, chúng ta sẽ có thêm 7.000 – 8.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh quyết liệt hơn về cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam có 61.000 DN tư nhân nhưng để nuôi dưỡng DN là cả một vấn đề, nếu tạo được môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo được công ăn việc làm, doanh thu.
Cùng với đó, nêu ra một loạt giải pháp giúp tăng trưởng mà không cần khai thác thêm than, dầu thô như: dư địa phát triển còn lớn từ khu vực Nhà nước, tư nhân, giải ngân ODA, FDI, giảm chi phí cho DN, tăng thêm đầu tư cho các vùng động lực kinh tế đất nước…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá, tiềm năng tăng trưởng phải là 8-9% nếu khai thác được các dư địa trên.
Cụ thể, về cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, nhất là DNNN, ông Cung cho biết, nếu tăng 1 điểm phần trăm về hiệu quả, chúng ta có tới 3 tỷ USD, bằng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế.
Tiếp đó, khu vực kinh tế tư nhân với tổng tài sản ước tính 200 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm phần trăm, chúng ta sẽ có thêm 2 tỷ USD. Đặc biệt, về giảm chi phí DN lớn, theo ông Cung, chi phí logictics giảm 1 điểm phần trăm, kinh tế Việt Nam có 4 tỷ USD, giảm 1 – 2 điểm phần trăm là trong tầm tay.
Ngoài ra, theo ông Cung, có thể tập trung tăng trưởng hai vùng kinh tế động lực là Hà Nội và Tp.HCM. Hiện nay, hai khu vực này đang chiếm tới 50% GDP, 70% vốn FDI, 2/3 tổng thu ngân sách, 70% cơ quan nghiên cứu khoa học… cho thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
“Chỉ tăng trưởng 1 điểm phần trăm cho tứ giác phát triển là Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 0,4 điểm phần trăm”, ông Cung cho biết.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay khi cơ cấu kinh tế Việt Nam so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ. Vì vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới gồm: nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng mười năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Những tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng nằm trong tầm tay Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng, tốt, là chúng ta có thể tăng trưởng 8 – 9% mà không phải chỉ 6,7% hết sức chật vật như hiện nay. Đặc biệt, tôi cho rằng cần thực hiện bằng được kỷ luật ngân sách tài khóa, ít nhất là đóng băng chi thường xuyên, tập trung vốn đầu tư khu vực hạ tầng cho Tp.HCM, Hà Nội. PGs.Ts. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nếu chúng ta cứ tiếp tục can thiệp hành chính vào thị trường sẽ mang lại những rủi ro rất lớn. Đặc biệt, nếu các giải pháp trên tiếp tục lặp lại trong năm sau, có nghĩa nguồn lực phân bổ không hợp lý, không vào lĩnh vực hiệu quả. Tôi nói điều này không đồng nghĩa chúng ta bàn lùi nhưng cần nhận diện rủi ro này để quản trị nó. |