Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp mới đây tại Tp.HCM, ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – nơi có vùng sản xuất hồ tiêu danh tiếng nhất với năng suất, chất lượng cao nhất thế giới, than thở rằng ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay đang đối mặt những khó khăn thách thức lớn.
Ai cũng lắc đầu!
Trước hết, đó là tình trạng diện tích trồng hồ tiêu tăng quá nhanh vào năm 2015 – 2016. Thời điểm đó giá quá đắt (hơn 200 triệu đồng/tấn tiêu) nên nhà nhà lao vào trồng tiêu. Diện tích tăng quá nhanh nên sản lượng cũng tăng rất lớn.
Ông Bính cho biết năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng hồ tiêu XK đạt hơn 179.000 tấn. Riêng 11 tháng năm 2017, sản lượng hồ tiêu XK đã đạt mức kỷ lục trên 200.000 tấn.
Vì vậy, từ mức giá đỉnh trên 200 triệu đồng/tấn, đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 70 triệu đồng/tấn. Và không chắc mức giá này có còn giảm tiếp trong những tháng tới hay 5 – 6 năm tới hay không?
“Chúng tôi trò chuyện với nông dân trồng hồ tiêu vào thời điểm này thì ai cũng lắc đầu. Nhưng đó là một thực trạng khi mà Việt Nam là quốc gia XK hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% sản lượng thế giới. Cho nên đây là điều hết sức khó khăn, nhất là khi hồ tiêu là một sản phẩm nông sản XK chủ lực của Việt Nam”, ông Bính nói.
Giá hồ tiêu đã lao dốc quá nhanh, giảm hẳn kim ngạch XK. Vậy mà ngay cả đầu ra ở thị trường XK cũng đối mặt không ít rào cản.
Trong tháng 12/2017, Bộ Công Thương Ấn Độ đã thông qua đề xuất ấn định giá CIF nhập khẩu tối thiểu đối với hạt tiêu là 500 rupi/kg (khoảng 7,75 USD), nhằm bảo vệ quyền lợi của người trồng tiêu trong nước trước tình trạng hạt tiêu nhập khẩu giá rẻ trên thị trường, đặc biệt là hạt tiêu đen từ Việt Nam (giá của Việt Nam chỉ 4.000 USD/tấn).
Trong khi đó, Ấn Độ lại đang chiếm 7,2% về sản lượng và 6,8% về kim ngạch XK hồ tiêu của Việt Nam, chỉ đứng thứ hai sau thị trường Mỹ. Với động thái này, không ít ý kiến lo ngại việc suy giảm sản lượng XK sang thị trường này là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, phía Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vẫn trấn an là sẽ không tác động lớn đến hoạt động XK tiêu của Việt Nam do Ấn Độ chiếm thị phần không lớn lắm và không đòi hỏi cao về mặt chất lượng.
Một DN XK hồ tiêu kể lại câu chuyện mới đây khi sang tìm hiểu thị trường hồ tiêu Campuchia thấy họ không chăm chăm mở rộng diện tích mà hướng vào việc đầu tư sản xuất hạt tiêu sạch hữu cơ (Organic), nên bán được với giá rất cao (14,5 USD/kg). Trong khi hạt tiêu thường của họ chỉ bán có giá 4 USD.
![]() |
Do sản lượng tiêu ngày càng tăng cao nên xu hướng giá thấp có thể sẽ còn duy trì trong năm 2018
Cần chuyển sang xuất sạch
Điều này là bài học lớn cho ngành hồ tiêu Việt đi theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu, đặc biệt là những sản phẩm đang thịnh hành trên thế giới như hạt tiêu Organic vốn có giá gấp đôi so với loại tiêu thường mà Việt Nam đang XK.
Trong chuyện này, ông Bính cho rằng vai trò của DN là rất quan trọng và không ai khác ngoài DN. Đối với nông dân trồng hồ tiêu, bây giờ động lực quan trọng nhất đối với họ vẫn là giá tốt. Nếu như có thị trường tốt, mua được giá cao như ở thị trường Campuchia thì chắc chắn người nông dân trồng tiêu của Việt Nam sẽ thay đổi. Đây là cốt lõi của vấn đề.
Còn như bối cảnh hiện tại và không thay đổi, chỉ tập trung vào sản xuất thô, giới chuyên gia cho rằng với mức giá trong thời gian tới giảm sâu xuống 40 – 50 triệu đồng/tấn thì cũng chưa chắc đã bán được.
Nhận định mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy giá hạt tiêu trong nước năm 2017 giảm tới gần 50% so với năm 2016. Bộ này còn dự báo do sản lượng tiêu ngày càng tăng cao trên toàn cầu nên xu hướng giá thấp có thể sẽ còn duy trì trong năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Việt Nam đang ở vị thế là thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện được vị thế. Cho nên, từ năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu Việt, trong đó cần vai trò lớn từ phía DN.
Cụ thể là trong quý I/2018, Bộ NN& PTNT giao các đơn vị tư vấn nghiên cứu rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết cho cây hồ tiêu. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng giống hồ tiêu trôi nổi, thiếu kiểm soát về chất lượng, kiểm soát nạn lạm dụng phân bón hóa học.
Có lẽ, chiến thuật hợp lý cho ngành hồ tiêu Việt lúc này là nên chuyển hướng từ xuất thô sang xuất sạch với giá trị gia tăng cao.
Như khuyến nghị của bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA, giá trị của xuất thô hồ tiêu đã bắt đầu đi xuống vì nguồn cung nhiều. Ngành hồ tiêu cần phải có thay đổi. Việc gia tăng giá trị là yêu cầu rất cần thiết trong lúc này. Điều quan trọng là xây dựng chuỗi nguyên liệu sạch và nên có những thương hiệu thực sự mạnh.
Thế Vinh