Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ nhìn vào con số đăng ký sẽ thấy những tháng qua, thu hút FDI tiếp tục là một điểm sáng. Tính đến hết tháng 7/2016, số vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung FDI lên tới hơn 13 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Trong đó, những dự án lớn hầu hết đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung vào ngành điện, điện tử. Thế nhưng, đáng lo ngại là số vốn giải ngân mới chỉ đạt hơn 8 tỷ USD.
Gần một nửa vốn “ảo”
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, khối FDI đã nổi lên là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện ở dòng vốn giải ngân tăng mạnh chưa từng có.
Cụ thể, năm 2015, tăng trưởng vốn FDI thực hiện đạt hơn 12%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, tính đến tháng 7 năm nay, con số này thậm chí còn cao hơn, tăng tới 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính những ưu đãi và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày một tốt hơn đã thu hút FDI. Đơn cử như việc áp dụng “kênh xanh” (được giải quyết nhanh và hưởng nhiều ưu đãi hơn) cho những nhà đầu tư có vốn lớn đã góp phần nâng cao nguồn vốn FDI trong thời gian qua.
Song, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những kết quả khả quan, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng về những hậu quả tiêu cực của khu vực FDI.
Theo quy định những dự án cần 50 ha đất hay có vốn cả 100 triệu USD trở lên mới đưa lên trung ương cấp phép và các dự án đầu tư đều phải có ký quỹ với tỷ lệ nhất định mới được cấp phép.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều dự án đầu tư lớn được địa phương cấp phép nhưng lại không đưa ra ràng buộc ký quỹ, bởi vậy, nhà đầu tư chỉ triển khai một phần, sau đó lại chây ì không tiếp tục sau đó chờ để bán lại. Thậm chí, sau 7 - 8 năm không tìm được nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, họ rút đi, coi như mất trắng.
Chưa kể, ngày càng có nhiều DN dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang – thép… mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là những lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao.
Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu tác động môi trường của khối FDI tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây, từ năm 2011 – 2015, có đến 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%.
PGs.Ts. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng khi các DN nước ngoài vào Việt Nam mang theo công nghệ thấp không những ảnh hưởng tới môi trường mà tính lan tỏa về công nghệ từ các DN này cũng gần như không có.
“Họ vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ thì rõ ràng Việt Nam phải chấp nhận nếu muốn dựa vào FDI để tăng trưởng”, PGs.Ts. Tô Trung Thành nhận định.
Không chỉ vậy, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật.
Thống kê những năm qua cho thấy cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều DN khai lỗ liên tục trong nhiều năm, gây khó cho các cơ quan quản lý, khiến dư luận bức xúc.
Vấn đề này không chỉ gây thất thu ngân sách, mà quan trọng hơn là tạo nên sự ảo trong nguồn tiền đổ vào Việt Nam, ảo về số vốn có được, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước. Hậu quả lớn nhất là sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
![]() |
Khu vực FDI đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật.
Phải coi trọng chất hơn lượng
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, cần sớm triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài, để có những chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả của dòng vốn này.
Thực tế, trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI là quan trọng đối với nền kinh tế. Song không thể bỏ qua những tiêu chí về chất lượng nguồn vốn.
Một số chuyên gia kiến nghị, để dòng vốn đầu tư trực tiếp thật sự là công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế đất nước, tạo sự lan tỏa cho các DN trong nước, gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, trong giai đoạn 2016-2020, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần hướng tới những lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng kêu gọi đầu tư FDI không quan trọng bằng việc quản lý đầu tư FDI. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực và có tác động lôi cuốn các DN nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với các dự án đầu tư lớn được hỗ trợ tiền thuế đất, Gs-Ts Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khuyến cáo là cần siết lại ràng buộc ký quỹ với các dự án đầu tư lớn. Các địa phương không thể dễ dãi để tiếp tục cấp phép mà không bắt nhà đầu tư ký quỹ được.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư ------------------------------- Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, nhất là qua bài học kinh nghiệm Formosa. Làm sao thu hút nước ngoài thực sự có lợi cho Việt Nam, có lợi một cách lâu dài cho sự phát triển bền vững, trong đó có vấn đề về môi trường, trách nhiệm xã hội cũng như quản lý những vi phạm pháp luật của nhà đầu tư nước ngoài. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO ------------------------------- Nghi vấn các DN FDI chuyển giá, nhập khẩu, lách thuế, trốn thuế có nhiều nhưng việc xử lý thì phải có căn cứ pháp luật. Trường hợp này rất khó khi mà Việt Nam chỉ quản lý, xử lý doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Khi không chứng minh bằng các đầu mối thì không giải quyết được câu chuyện bất hợp lý. Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ------------------------------- Để hạn chế vốn ảo, đặc biệt là những nhà đầu tư ôm đất, phải đánh thuế đất lũy tiến. Ngoài ra, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng phải thay đổi, đừng quan trọng số lượng, phải chú trọng chất lượng. Cơ quan xúc tiến đầu tư phải tìm kiếm nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư chiến lược, thay vì thu hút mở rộng, ồ ạt. Các giải pháp chạy theo xử lý sau khi cấp phép là tốn kém chi phí, đôi khi không thể cứu vãn, vì hậu quả đã xảy ra rồi. |
Thanh Hoa