Sau hơn 10 ngày xăng RON 92 được thay thế hoàn toàn bằng xăng E5, cơ quan chức năng cho biết hiện chưa có ai phàn nàn về hỏng hóc xe do sử dụng. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về xăng E5.
Chậm kế hoạch 2 năm 1 tháng
Tại tọa đàm “Để người dân không còn e dè với xăng Ethanol” sáng 10/1, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương), cho biết khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định 53 về tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã nêu rõ từ 1/12/2014 sẽ thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 trên 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu; 1/1/2015 sẽ thay thế trên phạm vi cả nước.
Theo lộ trình đó, đến thời điểm này đã chậm 2 năm 1 tháng. Và nếu đúng theo tinh thần của Quyết định 53, kể cả xăng RON 95 và RON 92 đều phải trộn ít nhất 5%.
Tuy nhiên, ông Cường lý giải việc chỉ mới thay thế RON 92 bằng xăng E5 mà chưa thay xăng RON 95 thể hiện sự thận trọng của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
“Chúng tôi cũng chưa đưa ra lộ trình thay thế xăng RON 95. Hiện vẫn còn những ý kiến, luồng dư luận chưa hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của loại nhiên liệu này”, ông Cường nói.
Trước nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng của xăng E5 có ảnh hưởng tới xe, PGs.Ts. Phạm Hữu Tuyến,
Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết Viện Cơ khí động lực đã thực hiện nghiên cứu đánh giá việc dùng E5 trên ôtô và xe máy, kết quả được so sánh đối chứng với phương tiện dùng xăng khoáng. Kết quả, các tính năng, công suất, khởi động, tăng tốc, tiêu hao nhiên liệu đều tương đương, thậm chí một số chỉ tiêu của xăng E5 còn tốt hơn xăng RON 92.
“Chúng tôi cũng thực hiện thử nghiệm trên các phương tiện, từ phương tiện dùng chế hòa khí đến phương tiện động cơ phun xăng điện tử. Kết quả này tương đồng với các kết quả khác trên thế giới, cho thấy sử dụng xăng E5, E10 đối với các xe đang lưu hành không có vấn đề gì đáng ngại”, ông Tuyến cho biết.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho biết đối với những dòng xe trước 1997 có thể ảnh hưởng tới động cơ nhưng không ảnh hưởng tới tính an toàn của động cơ.
Hay một số chuyên gia từ các hãng xe đang phân phối tại Việt Nam vẫn chưa có sự khẳng định hoặc đưa ra những khuyến cáo về các vấn đề bất lợi có thể xảy ra khi sử dụng loại xăng này, đặc biệt là các loại xe thế hệ cũ, sản xuất trước năm 2008.
Sự nghi ngại đối với xăng E5 đẩy người tiêu dùng sang lựa chọn duy nhất là xăng RON 95. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh giá mới nhất (4/1), giá xăng RON 95 đột ngột tăng thêm hơn 800 đồng/lít. Dẫn tới nhiều người cho rằng việc tăng giá xăng RON 95 lên cao thời gian qua như một cách bắt buộc người dân chuyển sang dùng xăng E5.
Tại tọa đàm này, ông Cường cho rằng để có câu trả lời chính xác, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương và Vụ Quản lý giá của Bộ Tài chính trả lời là hợp hơn. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là khyến khích sử dụng loại nhiên liệu mới.
![]() |
Lo ngại khi người dân đã quen với việc dùng xăng E5, giá lại bị đẩy lên cao
Nỗi lo độc quyền
Theo ông Cường, giữa xăng khoáng RON 92 và xăng E5 trên cơ sở xăng RON 92 trước kia, Chính phủ dùng chính sách thuế phí để tạo độ chênh. Thời điểm chênh cao nhất khoảng 1.000 đồng, có lúc chỉ còn 300 đồng, bình quân chênh 500 đồng/lít. Khi giá xăng khoảng 15.000 đồng/lít, nếu giảm 500 đồng thì giảm được khoảng 3,3%. Như vậy, phải sử dụng 95% xăng nền (xăng khoáng 92), đưa thêm 5% ethanol vào và giá giảm 3,3%.
Thực chất, Nhà nước đã dùng công cụ chính sách để tính 3,3% ethanol đưa vào không được tính vào giá.
Ngoài ra, kể cả trong thời điểm tồn tại giữa xăng RON 92 và RON 95 thì khoảng chênh giữa RON 92 và RON 95 đã là 700 – 800 đồng. Nhưng đây là cùng loại xăng đạt tiêu chuẩn EURO 2.
Hiện tại, xăng RON 95 mà mọi người đang cho rằng giá cao đột biến là xăng tiêu chuẩn EURO 3 và 4. Đây là xăng có tiêu chuẩn khắt khe hơn. Nhiên liệu này ở các nước khác cũng bán giá cao hơn vì đòi hỏi công nghệ lọc hóa dầu tốt hơn. Nếu so sánh xăng RON 95 của EURO 2 và 4 thì trên thị trường thế giới đã chênh khoảng 100 – 200 đồng/lít.
Vì vậy, ông Cường cho rằng việc so sánh xăng RON 95 hiện nay và E5 không cùng hệ và không hợp lý. Chính phủ không ép dùng xăng E5 mà chỉ khuyến khích bằng giá và giảm thuế, phí.
Mặt khác, hiện nay, xuất phát từ đề nghị của rất nhiều bên, Bộ Công Thương đang báo cáo Chính phủ tiếp tục giảm phí môi trường của sản phẩm thân thiện với môi trường là xăng E5. Đây chính là cơ sở tạo độ chênh về giá.
Hiện tại, băn khoăn về tính minh bạch và cạnh tranh trên thị trường xăng dầu đang được đặt ra. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, hiện nay chưa có cạnh tranh thực sự bởi vẫn có doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh thị trường, Nhà nước vẫn phải quy định giá cơ sở.
Thêm nữa, gần đây lại nảy sinh thêm vấn đề là trước kia có nhiều mặt hàng, trong đó RON 92 chiếm sản lượng tiêu dùng chủ yếu (60 – 70%), DN vẫn công bố giá cơ sở, nay bỏ xăng RON 92, chuyển sang RON 95 và đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 lại chỉ công bố giá cơ sở xăng E5, không công bố giá RON 95.
“Nếu thả nổi giá xăng RON 95 trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường chưa thực sự cạnh tranh có thể khiến giá xăng RON 95 tăng lên, tạo rào cản cho kinh tế, xã hội”, ông Long nói.
Ngoài ra, chuyển sang sử dụng xăng E5 nhưng mới chỉ tuyên truyền cho mọi người theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp, Nhưng chất lượng xăng có đảm bảo không thì chưa có kiểm chứng thực sự để công bố, thuyết phục người sử dụng. “Bản thân tôi cũng chưa dùng xăng E5 cho ôtô và xe máy trong gia đình”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng lý do đầu tiên khiến người dân hiện nay vẫn chưa mặn mà sử dụng xăng E5 vì chưa có niềm tin về chất lượng loại xăng này.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần phải tháo gỡ là nguồn cung nguyên liệu để phối trộn xăng E5 sẽ đảm bảo được cung ứng đều đặn. Tránh tình trạng thay thế hoàn toàn rồi, song do thiếu nguồn cung nên người dùng lại phải chuyển sang dùng xăng khác.
“Với xăng E5, vùng nguyên liệu rất quan trọng. Vậy, quy hoạch vùng trồng sắn, ngô, mía… có đủ để sản xuất và phối trộn xăng E5? Tránh tình trạng người nông dân trồng sắn thua lỗ, bỏ đi trồng cao su, lúc đó xăng E5 sẽ “chết”” , ông Phú dẫn dụ.
Thêm nữa, điều người tiêu dùng lo nhất là khi khuyến khích sử dụng thì hạ giá thấp, sau khi người dân sử dụng quen lại đẩy giá lên cao. Vì vậy, đặt ra vấn đề minh bạch về giá.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm khuyến khích dùng xăng nhiên liệu sinh học. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm phí môi trường với sản phẩm thân thiện môi trường và tăng phí đối với sản phẩm không thân thiện với môi trường. Tôi tin là sẽ không có sự điều chỉnh giá. Tất nhiên, giá xăng dầu phụ thuộc ở 95% xăng nền. Cần phải cam kết nếu sử dụng xăng E5 có trục trặc sẽ chịu trách nhiệm và xử lý ngay cho người dùng. Đặc biệt, nếu sản xuất được trong nước thì đừng độc quyền nữa. Cơ cấu giá thành xăng E5 có tiến bộ hơn RON 92. Cách tính giá xăng chủ động trong nước có khác so với xăng nhập khẩu của Singapore hay các nước khác không? Không có cạnh tranh thì không có tiến bộ, nếu không thì DN và người dân còn khổ.
Nên minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng xăng E5 như xăng có bị hao hụt nhanh không, an toàn với động cơ xe không, thân thiện với môi trường ra sao. Ngoài ra, DN nên có thêm dịch vụ, mạng phân phối đủ tốt, đủ cạnh tranh thì việc có một số biện pháp khuyến khích sử dụng E5 là chấp nhận được. |