Theo ước tính, cả nước có tổng cộng khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể với số lượng lao động hơn 8 triệu người, chiếm 41,15% lực lượng lao động toàn xã hội.
Mới đây, trong phiên thảo luận của Chính phủ về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý cần hỗ trợ để 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay để họ mạnh dạn thành lập DN.
Kỳ vọng hàng triệu hộ kinh doanh
Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt vấn đề: Nên chăng chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ này? Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì đề nghị cần bổ sung quy định hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN.
Rõ ràng, sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ dành cho các hộ kinh doanh cá thể là rất lớn. Thế nhưng, trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV (do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo) được tham vấn rộng rãi vừa qua, đối tượng hỗ trợ là hộ kinh doanh lại rất mờ nhạt.
Trong quan điểm trước đây xoay quanh vấn đề này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng các hộ kinh doanh cá thể hoạt động tản mạn, khả năng quản trị hạn chế, thiếu tính minh bạch.
Do đó, ngân sách nhà nước sẽ không đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này. Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khi chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV đủ mạnh và hiệu quả, tất yếu sẽ thúc đẩy khu vực hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN để hoạt động.
Trước quan điểm như vậy, theo Ts. Trần Du Lịch, trong thời gian tới, nếu có điều kiện tốt để Luật Hỗ trợ DNNVV chính thức đi vào cuộc sống thì cần phải chú trọng đến hộ sản xuất kinh doanh cá thể.
![]() |
Khá nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, khuôn mẫu ở Tp.HCM hoạt động hiệu quả tốt hơn nhiều so với các DNNVV
Hiện nay, cả nước có 550.000 DN đăng ký nhưng có hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký hình thức hoạt động DN. Riêng ở Tp. HCM, như lời ông Lịch, có gần 300.000 hộ kinh doanh nhưng thực chất hoạt động như DN nhỏ và siêu nhỏ. “Nếu trong Luật Hỗ trợ DNNVV quy định đối tượng hỗ trợ là các DNNVV được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì sẽ loại tất cả các đối tượng hộ kinh doanh cá thể”, ông Lịch chia sẻ.
Chẳng hạn, tại Tp.HCM, nhiều hộ kinh doanh cá thể theo kiểu gia đình hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành khác. Hiện các hộ kinh doanh cá thể đang được Nhà nước khuyến khích lập công ty.
Vì thế, nếu dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đưa thành phần này vào một trong những đối tượng được hỗ trợ sẽ giúp họ tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh cá thể vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.
Theo Ts. Trần Du Lịch, thực tế cả nước không phải chỉ có 550.000 DN mà đang có 3 triệu DN dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng hiệu quả và quy mô lớn hơn nhiều so với một số “ông” tự xưng công ty nọ công ty kia.
Cần sớm đưa vào luật
Giới chuyên gia cho rằng cái khó của các cơ sở kinh doanh khi lên DN là họ không hợp thức được hàng hóa mua vào (từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ) bằng các hóa đơn để được tính vào chi phí hợp lý nhằm khấu trừ khi tính thuế. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành DN, người kinh doanh phải có hệ thống sổ sách kế toán cũng như nhân viên chuyên trách.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, than phiền là hiện nay, quá nhiều bằng chứng chứng minh khu ngoài DN phải chi những chi phí không chính thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, ông đề nghị sắp tới nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Hỗ trợ SME để đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời giảm một lượng lớn chi phí không chính thức. Hỗ trợ tốt các hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ tăng cao, thay vì tỷ lệ tăng trưởng khoảng 25% như hiện nay.
Một điều đặt ra là không phải hộ kinh doanh nào cũng muốn và được quyền thành lập DN. Lý do chính khiến nhiều hộ kinh doanh trì hoãn, thoái thác việc thành lập DN là họ sẽ phải tốn chi phí để đáp ứng các yêu cầu về kế toán, hồ sơ, chứng từ, phải đóng bảo hiểm xã hội, mua bảo hiểm y tế cho người lao động, phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế…
Đây là áp lực lớn với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phải luôn có giá bán tốt để cạnh tranh. Theo giới chuyên gia, nếu Luật hỗ trợ DNNVV hướng đến các hộ kinh doanh cá thể thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ trở nên đơn giản hơn.
Như quan sát của PV Thời báo Kinh Doanh, tại Tp.HCM hiện có khá nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, khuôn mẫu ở quận 5, 6, 10, 11. Họ không đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, chỉ đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, số này mới là đông, tuy chỉ đăng ký là hộ kinh doanh, ở dạng nhỏ và siêu nhỏ, nhưng hiệu quả tốt hơn nhiều so với nhiều DNNVV.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, nhưng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mới chỉ tập trung vào các loại hình DN trong khi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ kinh doanh cá thể thì chưa rõ.
Nguyễn Thế