Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.259.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số lượng DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký.
Vốn lớn đổ vào bất động sản
Xét theo lĩnh vực hoạt động, năm 2017, kinh doanh bất động sản (BĐS) có 5.065 DN thành lập mới, số vốn 388.376 tỷ đồng; tăng 62% về số lượng DN và tăng 66,5% về số vốn.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, mặc dù có 16.191 DN thành lập nhưng số vốn chỉ 144.726 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,4% và 20,1%. Về nông nghiệp, số lượng DN mới là 1.955 DN, số vốn 20.042 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,8% và giảm 9,6%.
Điều này cho thấy trong năm 2017, ngành kinh doanh BĐS mặc dù số lượng DN không phải nhiều nhất nhưng tiếp tục là lĩnh vực có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với 388.376 tỷ đồng, chiếm 30%. Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo có 144.726 tỷ đồng, chiếm 11,2%. Nông nghiệp khiêm tốn khi chỉ dừng ở mức hơn 20.000 tỷ đồng.
“Trong năm vừa qua, ngành kinh doanh BĐS đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút rất lớn lượng vốn DN đổ vào đầu tư so với các ngành còn lại”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá.
Trước đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 DN nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 DN của cả nước), trong đó có tới 50% DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các DN này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.
Nguyên nhân nào khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp, trong khi đây những ngành tạo ra giá trị gia tăng và việc làm nhiều nhất?
Còn nhớ Gs. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), từng so sánh nếu như ở Nhật Bản, 8/10 người giàu tại đây thành công nhờ đầu tư vào sản xuất công nghiệp mà không dựa vào BĐS. Tại Việt Nam, xu hướng này đang diễn ra ngược lại. BĐS luôn nằm trong những lĩnh vực thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước suốt gần chục năm qua.
Nhìn nhận thực tế này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng các chính sách của Việt Nam trên thực tế làm cho DN ham đầu tư vào chứng khoán, BĐS hơn là đầu tư vào các ngành công nghiệp để làm công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Lan chỉ rõ, lâu nay DN hướng đầu tư vào đất vì có nhóm lợi ích, dễ làm ăn hơn. Trong khi đó, DN muốn làm phụ trợ chẳng có nguồn lực hỗ trợ.
“Đi vào công nghệ, công nghiệp, phải có chính sách rõ ràng khuyến khích, ưu đãi thực sự để người ta tham gia vào sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, chính sách vẫn chưa cho thấy điều này”, bà Lan nhận xét.
Cùng với đó, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn không ít chính sách chưa phù hợp hoặc thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho DN nông nghiệp phát triển.
![]() |
Nông nghiệp, công nghiệp chế biến “mòn mỏi” chờ vốn trong khi bất động sản đón vốn “khủng”
Nông nghiệp mòn mỏi đợi DN
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi, vì sao DN nông nghiệp mãi không phát triển, vừa ít, vừa thiếu? Cần làm rõ những chính sách hiện tại về: đất đai, tài chính… để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc công ty CP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương), cho rằng hiện nay, ở Việt Nam, tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn nhưng thực tế mới dừng lại ở chủ trương chính sách đường lối chứ chưa đi vào thực tế, các chính sách hỗ trợ DN cụ thể chưa có nhiều.
Để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nghĩa chia sẻ, đây là lĩnh vực khó khăn nhất trong các loại hình đầu tư. Vốn trong lĩnh vực nào cũng thiếu, nhưng vốn trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng thiếu hơn do tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất thấp, đồng thời phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết với rủi ro thiên tai lũ lụt nên sự đầu tư vào nông nghiệp nông thôn lại càng khó khăn hơn.
“Vấn đề đặt ra là làm thế nào chúng ta tổ chức tốt, có chính sách tốt hỗ trợ cho các DN để giảm được các rủi ro như các chính sách liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, chính sách về bảo lãnh…, có như vậy sẽ ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp. Hiện đã có một làn sóng DN đầu tư vào lĩnh vực này nhưng hiệu quả vẫn chưa nhìn thấy rõ.
Theo PGs. Ts. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, muốn phát triển ngành hàng, chúng ta đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, nhưng các chính sách đó thực ra không thực hiện được bao nhiêu. “Bánh vẽ” rất to nhưng thực tế rất ít, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Ông Nam dẫn chứng, có rất nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 3 – 4 năm, thậm chí 5 – 7 năm, ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, họ “chạy” để lấy tiền hỗ trợ ưu đãi cho đầu tư ở miền núi mà không được.
“Không phải cán bộ không thực hiện chính sách, mà thực tế là không có tiền, vì vậy cái mà chúng ta có thể làm được và duy nhất đó là tạo ra được một môi trường kinh doanh thuận lợi. Môi trường mà thuận lợi, ở đó DN sẽ tự làm giàu, tự nộp thuế cho Nhà nước. Chứ thủ tục hành chính vẫn như hiện nay, DN sẽ rất khó sống”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, muốn có DN đầu tư vào nông nghiệp phải có doanh nhân. Hiện nay có lớp trí thức trẻ đã tốt nghiệp, họ sẵn sàng về nông thôn để đầu tư nông nghiệp, đây là lực lượng cần khuyến khích, bởi họ có tinh thần kinh doanh, có kiến thức về nghề nghiệp, có ứng dụng KHCN mới đưa vào sản xuất, tỷ lệ thành công là rất cao.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN-NT (Ban Kinh tế Trung ương), chính sách hỗ trợ DN còn thiếu tính đồng bộ, đơn lẻ, phương pháp xây dựng chính sách còn chậm đổi mới.
Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ DN, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Cần cải thiện về thủ tục hành chính, vì đây đang là một trong những hạn chế quan ngại, 79,2% DN mong muốn Nhà nước có chính sách thông thoáng hơn.
“Chúng tôi vừa đi Pháp tham quan các mô hình DN nông nghiệp. Ở đây, các hộ gia đình vừa là DN để tiêu thụ sản phẩm của mình, vừa tham gia các liên minh hợp tác xã. Do vậy, cần thay đổi nhận thức về hợp tác xã và DN, các đối tượng này có thể kết hợp với nhau để cùng phát triển nông nghiệp, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”, ông Tiến đề xuất.
Lê Thúy
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Phải điều chỉnh chính sách khuyến khích DN tham gia vào công nghiệp. Chẳng có nước nào giàu lên bằng BĐS. BĐS chỉ làm giàu cho một số cá nhân, một số DN, không mang lại sự giàu có chung cho đất nước. Để gắn kết DN trong phong trào đầu tư vào nông nghiệp cần tạo ra các diễn đàn, các hội nghị trong từng ngành hàng nông nghiệp nông thôn, từ đó đề xuất ra các chính sách thực tiễn trong từng lĩnh vực một. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ rất mạnh về thị trường, networking (nối mạng) trong hệ thống mới có thể kết nối được các DN đầu tư vào đây. Để phát triển kinh tế bền vững, cần quay lại điểm tâm tư từ nhiều năm nay là làm sao để phát triển nền nông nghiệp trên cơ sở công nghiệp hóa từ nông nghiệp, tức là công nghiệp chế biến, chúng ta phải làm điều này ngay. Về công nghiệp, không có Luật công nghiệp hỗ trợ, không có công nghiệp hỗ trợ, đừng nói nội địa hóa. |