Mua lại 24,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo là thương vụ đã được Masan Consumer thực hiện thành công vào cuối tháng 1 vừa qua.
Bỏ ra 171 tỷ đồng, tức 85.000 đồng/cổ phiếu, Masan đã chấp nhận mức giá cao hơn gấp 3,5 lần để sở hữu 1/4 cổ phần của Vĩnh Hảo. Theo đó, nếu thương vụ hoàn tất với 100% cổ phần của Nước khoáng Vĩnh Hảo thuộc về Masan, giá trị đầu tư cho thương vụ sẽ lên đến 700 tỷ đồng.
"Tay chơi đầu tư"
Tuy nhiên, so với các khoản đầu tư gần đây của Masan, thương vụ này cũng chỉ là con số lẻ mà hãng tiêu dùng này đã chi ra. Đơn cử như chi phí xây dựng tài sản cố định lên đến gần 2.290 tỷ đồng, đặc biệt Dự án mỏ Núi Pháo chi ra hơn 600 triệu USD. Trong các vụ M&A, Masan đã chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Vinacafe Biên Hòa và chi thêm 96 triệu USD để thâu tóm 40% cổ phần của Cám Con Cò.
Dù vậy, giới trong ngành vẫn đánh giá Masan đang thực hiện những phi vụ đầu tư có lời khi "bạo tay" chi tiền để mua lại giá trị các thương hiệu hàng đầu trong các ngành hàng tiêu dùng này. Nếu như Vinacafe Biên Hòa là thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, chiếm giữ đến 40% thị phần cà phê hòa tan, thì Cám Con Cò lại là doanh nghiệp (DN) lớn thứ hai trong ngành thức ăn chăn nuôi, sở hữu đến 12% thị phần trên cả nước.
![]() |
Masan Consumer đang dày công để xây dựng nên một "đế chế" tiêu dùng
Tương tự với Nước khoáng Vĩnh Hảo, vốn là thương hiệu nổi tiếng với 80 năm tuổi đời, đạt doanh thu và lợi nhuận chỉ bằng một phần nhỏ so với Masan, nhưng ngay trong khủng hoảng, thương hiệu này vẫn giữ mức tăng trưởng tương ứng về doanh thu và lợi nhuận là 24% và 85%; sản lượng tiêu thụ tăng 24 - 50%, chiếm 23% thị phần nước khoáng đóng chai tại Việt Nam.
Những thương vụ trên là một phần hiện thực hóa mà CEO của Masan Group đã gửi đến các cổ đông của mình khi cho biết: "Thiết lập Masan Consumption, nền tảng nắm giữ hoạt động kinh doanh thực phẩm Masan Consumer và thâm nhập vào các mảng kinh doanh gắn liền với tiêu dùng, như chăm sóc y tế, bán lẻ và nông nghiệp". Theo đánh giá của giới chuyên gia, lựa chọn M&A trong thời điểm dư địa tăng trưởng các sản phẩm tiêu dùng chủ lực của Masan đang bão hòa sẽ là lựa chọn sáng suốt.
"Nắm giữ 70% thị phần nước tương và 45% thị phần mỳ gói, đối thủ cạnh tranh gay gắt với Masan là Thực phẩm Á Châu. Từ năm 2006, Masan đã tăng trưởng rất nhanh chóng ở những ngành hàng này, nên không gian tăng trưởng không còn rộng rãi nữa. Nhu cầu tiến sang ngành hàng tiêu dùng khác sẽ là chiến lược hợp lý", một chuyên gia đánh giá.
M&A tích hợp để tạo thị trường
Tăng trưởng thông qua M&A là một trong những chiến lược hoạt động luôn được Masan đề cao. Tuy nhiên, khác với các DN khác khi thực hiện M&A là mua các DN có sản phẩm cùng loại để gia tăng sức mạnh thị phần, thì kẻ "lắm tiền nhiều của" như Masan lại thực hiện các thương vụ M&A tích hợp theo kiểu tổ hợp. Với phương thức này, Masan kết hợp với các DN cùng thị trường, không cạnh tranh nhau về sản phẩm nhằm giúp Masan gia tăng sự phong phú trong ngành hàng tiêu dùng và có được nguồn cung yếu tố đầu vào để bổ trợ cho hoạt động của Masan.
Cơ sở trên cũng lý giải vì sao chiến lược kinh doanh của Masan trong các thương vụ M&A đều nhắm vào các công ty tên tuổi trong những ngành hàng khác nhau của lĩnh vực tiêu dùng. Theo tính toán của giới trong ngành, số vốn mà Masan bỏ ra để thực hiện các thương vụ này vẫn "chưa thấm vào đâu" so với số vốn khổng lồ mà hãng tiêu dùng hàng đầu này đang sở hữu. Tuy nhiên, với phương thức kinh doanh khác biệt trên, cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng tiêu dùng, bức tâm thư mang tựa đề "Từ đêm tối đến bình minh" mà ông Madhur Maini - Tổng Giám đốc Masan Group, đưa ra hẳn sẽ tạo thêm niềm tin cho các cổ đông của DN này trong việc xây dựng một "đế chế" hàng tiêu dùng.
Với khả năng tiếp cận vốn quốc tế, với lượng tiền mặt dồi dào, các công ty con tiếp tục tạo ra dòng tiền ổn định, Masan vẫn đang là ẩn số trong việc "khuynh đảo" thị trường mua bán công ty nội địa. Thông điệp mà Masan đưa ra là tiếp cận và phục vụ 90 triệu người tiêu dùng nội địa, thì các thương vụ M&A có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Tham vọng của người điều hành Masan chính là "Muốn tạo ra một tiếng vang trong vũ trụ" khi phát biểu tại đại hội cổ đông chắc hẳn sẽ làm khuấy động không ít ngành hàng trong thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Cẩm An