“Để tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tôi nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ khó tiến nếu như không có “cơ bắp”. Bởi vì cơ khí chính là “cơ bắp”. Cơ là máy móc, còn khí là năng lượng. Ở những quốc gia giàu có, nếu không có “cơ bắp” thì nền nông nghiệp của họ đã không hùng cường”, ông Lưu ví von khi mở đầu câu chuyện.
Bài học từ thực tiễn
Những bài học từ thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho thấy điều đó.
Đơn cử như bài học chưa thành công khi thua trên ruộng nhà. Trong các kỳ hội thi máy gặt đập liên hợp tại đây do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức, các mẫu máy gặt đập liên hợp do các xưởng cơ khí nhỏ ở ĐBSCL sản xuất đạt hầu hết các giải nhất, nhì, ba.
Điều này được lý giải là vì các máy gặt này chạy được trên nền đất yếu. Máy có bộ vơ, dựng đứng cây lúa, cắt được lúa đổ ngã, tỷ lệ gặt sót thấp. Và khi ra thị trường thì có doanh nghiệp đã bán được lên đến 1.000 máy.
Thế nhưng, khi đưa vào sản xuất số lượng lớn, do chất lượng chế tạo kém, độ bền chi tiết máy không ổn định, chất lượng kim loại không tốt, thường hư hỏng trong lúc vận hành.
Trong khi đó, các hãng chế tạo máy gặt đập liên hợp Nhật Bản đã áp dụng những cải tiến kỹ thuật của máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Với năng lực công nghệ chế tạo máy và chất lượng kim loại chi tiết máy vượt trội, cộng với năng lực tài chính hùng mạnh, được hỗ trợ của chính phủ nước họ thông qua các chính sách đầu tư tài trợ cho cơ khí nông nghiệp, đã chiếm lĩnh thị phần máy gặt đập liên hợp Việt Nam.
“Rõ ràng, chúng ta đã thua ngay trên ruộng nhà bằng chính những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chính mình”, ông Lưu nói.
![]() |
Ông Bùi Phong Lưu ví von nền nông nghiệp hùng cường thì phải có “cơ bắp” |
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nói về bài học thành công, chiến thắng trên thị trường. Theo đó, từ thực tiễn xay xát chế biến lúa gạo hàng năm trên 20 triệu tấn ở ĐBSCL với các giống lúa canh tác ngắn ngày, thời gian canh tác 1 vụ lúa vào khoảng 100 ngày. Lúa hạt dài, cần áp lực xay xát nhẹ, có giải pháp kỹ thuật công nghệ thích nghi với từng vụ mùa, vùng miền và từng chủng loại lúa.
Vậy nhưng, công nghệ xay xát lúa gạo Tây Âu, Nhật Bản chỉ thích nghi với giống lúa Joponica hạt tròn, áp dụng vào ĐBSCL làm gãy vỡ hạt gạo.
Ngược lại, các nhà máy chế tạo thiết bị xay xát lúa gạo Việt Nam đã chủ động thực hiện 2 phương châm. Thứ nhất là không nội địa hóa công nghệ xay xát lúa gạo nước ngoài. Thứ hai là không làm công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng cho các công ty đa quốc gia về sản xuất hệ thống thiết bị xay xát mà là “toàn cầu hóa công nghệ xay xát lúa gạo Việt Nam”.
Theo đó, sử dụng công nghệ phụ trợ nước ngoài, sản xuất với chất lượng tốt nhất, tăng năng lực chế tạo chi tiết máy đạt chuẩn quốc tế. Cạnh tranh sòng phẳng và có hiệu quả trên thị trường trong nước và thế giới. Từ đó đã thay thế thiết bị nhập khẩu, đứng vững trên thị trường trong nước và từng bước mở rộng ra thị trường thế giới theo năng lực của mình.
Thực tế là hiện nay cơ khí chế tạo máy ĐBSCL đã chủ động cạnh tranh có hiệu quả, các hệ thống thiết bị chế biến lúa gạo, máy cuộn rơm. Các hệ thống chế biến cà phê, mè, đậu xanh, máy chế biến gỗ... đã đạt chuẩn quốc tế cũng đang bước đầu cạnh tranh có hiệu quả trên mọi thị trường.
Và cũng có những bài học mới đầy triển vọng. Điển hình như Ts. Nguyễn Thanh Mỹ, sáng lập và là CEO của Tập đoàn RYNAN Mỹ Lan, đã thiết kế, chế tạo hệ thống sản xuất phân bón tan chậm công suất 10.000 tấn/năm.
Thông qua việc cấy, hoặc sạ lúa kết hợp với vùi phân bón tan chậm, trên cánh đồng lúa chất lượng cao, cộng với việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ. Đó là tăng năng suất 10%, giảm 50% lượng phân bón, chỉ bón 1 lần trong lúc cấy hoặc sạ lúa, không cần dùng thuốc diệt cỏ…
Phải nhìn thông thái hơn
Rõ ràng, Việt Nam hàng năm sử dụng trên 11 triệu tấn phân hoá học, nếu giảm 50% lượng phân hoá học, tương đương 5,5 triệu tấn, sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và môi trường. Điều này cho thấy việc đầu tư sản xuất các hệ thống thiết bị sản xuất phân bón tan chậm mà Việt Nam chủ động về công nghệ và kỹ thuật cơ khí chế tạo hệ thống thiết bị sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường to lớn.
Nông nghiệp là ngành sản xuất chính để ĐBSCL phát triển. Vấn đề chính là sản xuất nông nghiệp phải có lời. Nông sản sản xuất ra phải bán với giá tốt, đem lại hiệu quả cho nông dân. Giảm giá thành, tăng chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất, vận chuyển là các yếu tố trực tiếp.
Việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả để nông dân sản xuất ổn định là giải pháp kinh tế chủ đạo. Còn các giải pháp kỹ thuật mà cơ giới hóa sản xuất và hiện đại hoá công nghiệp chế biến là yếu tố đảm bảo sự thành công của giải pháp kinh tế.
![]() |
Ngành hàng lúa gạo đã có những bài học thành công lẫn không thành công trên ruộng nhà |
Ông Lưu cho rằng “cơ khí nông nghiệp như cơ bắp của cơ thể”, đòi hỏi phải vận động nhiều hơn thì mới có “bắp thịt”. Để đưa nền nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên bình diện rộng và tiến vào công nghiệp 4.0 là cả câu chuyện rất dài, phải tạo liên tục những nền tảng, từ nhận thức, học thức đến tri thức và nhiều bước chuẩn bị khác.
Nhưng điều đầu tiên là nền nông nghiệp phải có nền tảng để có thể tiến vào thời đại số. Còn nếu chúng ta không có nền tảng lớn nhìn trên tổng thể mà chỉ có ở những lĩnh vực nhỏ thì sẽ rất khó.
“Riêng với ngành cơ khí nông nghiệp Việt, điều đó còn đòi hỏi về mặt nhận thức, kỹ năng của con người, cũng như thiết bị và nhiều thành phần khoa học kỹ thuật khác, kể cả chính sách của Nhà nước... Như vậy mới đưa ra được những thông tin trong lúc làm, trong lúc kiểm soát, thông tin trước đó và thông tin chế biến lẫn thông tin thị trường. Đó là mạng lưới đầy đủ và cực kỳ phức tạp”, Tổng giám đốc công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ bộc bạch.
Điều này đòi hỏi phải có một cái nhìn thông thái hơn: thông thái cho người làm, thông thái cho người mua và thông thái cho người buôn bán trên thị trường.
“Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rất nhiều câu chuyện. Lúc ấy, nguyên câu chuyện về thời tiết, về thổ nhưỡng hoặc là về những nhu cầu lớn trên đường hướng thị trường hoặc là việc ứng dụng việc làm, chế biến, buôn bán và giá cả nông sản, lợi nhuận sẽ được chúng ta làm chủ”, ông Lưu nói.
Phát triển nông nghiệp trong cuộc cách mạng mới thì trí tuệ khoa học công nghệ là nhân tố quyết định. Và phát triển nông nghiệp rất cần có cơ giới hoá với các dòng máy động lực mới thông minh hơn, các hệ thống chế biến nông sản hiện đại hiệu quả hơn, với những quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, cần nguồn nhân lực mới có kỹ năng hơn.
Như chia sẻ của Tổng giám đốc công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, chủ động về khoa học công nghệ là yếu tố quyết định. Bài học về tạo ra giống lúa mới, phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo là một chứng minh cụ thể, sinh động.
Thế Vinh