Theo giá cập nhật ngày 24/4, giá lợn hơi ở các trang trại giảm sâu, chỉ còn 18.000 đồng/kg. Song điều mâu thuẫn là giá thịt lợn đến với người tiêu dùng không giảm bao nhiêu, đơn cử như thịt đùi 70.000 – 75.000 đồng/kg, thịt ba rọi 80.000 – 90.000 đồng/kg, thịt nạc 80.000 đồng/kg, sườn non 100.000 – 110.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi trắng tay
Chuyện này được lý giải là do các tiểu thương ở chợ cần phải có lời để bù đắp những loại chi phí khác nên việc bán ra với mức giá giảm tương thích theo giá ở các trang trại là điều không thể.
Ở góc độ của người chăn nuôi, ông Trần Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ nỗi lo lớn nhất hiện giờ là với mức giá ở trang trại chỉ 18.000 đồng/kg, xem như người chăn nuôi sẽ “không còn gì”.
Trước tình trạng này, ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm để bàn giải pháp “cứu” người chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng này là do cung vượt cầu khi lượng thịt lợn ra thị trường tăng quá nhanh và hiện đã đạt đến 5,4 triệu tấn. Trong khi đó, tình hình chăn nuôi theo kiểu phân tán với ba triệu hộ nhỏ lẻ tham gia chăn nuôi lợn, chiếm 55%, còn 45% tổng đàn nuôi còn lại là các trang trại vừa và lớn.
Chưa kể, chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi, hầu hết vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu kém, chưa phát triển. Điều đáng nói là ngành chăn nuôi vẫn khó kiểm soát theo chuỗi bởi các khâu đều tách rời, dẫn đến khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại, rất thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ.
Bộ trưởng Cường cho biết, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ bàn giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng ngành chăn nuôi lợn mang tính hiệu quả, bền vững. Giải pháp căn cơ nhất lúc này là tái cơ cấu chăn nuôi lợn theo hướng rà soát, giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng đến mức phù hợp nhất, đặc biệt đàn lợn nái hiện có 4,2 triệu con là quá lớn. Mục tiêu đến năm 2019 sẽ giảm xuống còn 3 triệu con, đồng thời nâng cao về chất lượng để hạ giá thành bởi giá thành khâu giống đang chiếm 15%.
Vấn đề của ngành chăn nuôi hiện nay cho thấy, việc xây dựng chuỗi liên kết ở ngành này nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Giá thức ăn, giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động, con giống kém chất lượng.
![]() |
Sắp tới Bộ NNNN&PTNT sẽ tổ chức lại ngành chăn nuôi trong bối cảnh cung vượt cầu khi lượng thịt lợn ra thị trường tăng quá nhanh
Trách nhiệm của doanh nghiệp?
Nhận thức về nhãn hiệu thương hiệu của người tiêu dùng chưa cao, chưa tạo thói quen cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ động vật và sản phẩm động vật. Thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.
Bên cạnh đó, các chế tài ràng buộc trong chuỗi giá trị chăn nuôi còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình. Quy mô chăn nuôi lợn chủ yếu nhỏ lẻ, ý thức hợp tác chia sẻ lợi ích hay rủi ro chưa cao. Giết mổ thủ công, chưa đảm bảo vệ sinh vẫn chiếm ưu thế, khiến chất lượng sản phẩm trở nên đáng lo ngại.
Đặc biệt, chăn nuôi lợn an toàn, có nguồn gốc, đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ xuất xứ, tràn lan trên thị trường. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đã đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường nội địa và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo nhận định của ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, với việc mỗi ngày nguồn cung tăng lên 1% sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi cần tự loại bỏ con giống quá nhỏ, không đạt chất lượng.
Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho biết: “Các thị trường cạnh nước ta đều nhập khẩu thịt như Singapore, Philippines, Brunei, Trung Quốc… nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn không vào được thị trường nào”.
Do đó, cần phải làm lại khâu thị trường, từ trong nước tới xuất khẩu. Ông đề nghị các doanh nghiệp giảm bớt chi phí không cần thiết để có giá thức ăn chăn nuôi thấp nhất. Nói như Bộ trưởng Cường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong lúc này.
Giới chuyên gia khuyến nghị, thời gian tới, cần tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra. Khuyến khích người chăn nuôi phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại.
Đồng thời, các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho những tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Thanh Loan