Trong câu chuyện ĐKKD ở Bộ Công Thương vốn dai dẳng từ khá lâu, nên lấy trường hợp xuất khẩu (XK) gạo làm một ví dụ điển hình. Cách đây hơn 7 năm, theo Nghị định số 109/NĐ-CP năm 2010 về ĐKKD XK gạo, cả nước chỉ có 150 DN được phép XK khi đáp ứng đủ một loạt các điều kiện về kho chứa và nhà máy xay xát.
Phá “vòng vây” điều kiện
Để XK được gạo, một số DN, chẳng hạn DN tư nhân Cỏ May ở Đồng Tháp – vốn nổi tiếng là thương hiệu gạo sạch của Việt Nam, đã phải “lách” bằng cách trước hết ủy thác XK cho một công ty đủ điều kiện XK và thành lập công ty nhập khẩu Cỏ May ở Singapore để nhập chính gạo của Cỏ May qua đơn vị được ủy thác. Rồi từ công ty “con” tại Singapore, các sản phẩm gạo của Cỏ May được chuyển vào các kênh bán lẻ tại nước này.
Kể ra điều này để cho thấy DN vẫn có thể tìm cách “lách” ĐKKD như thường thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Điều đáng nói, chính ĐKKD bất hợp lý như trên đã dẫn đến xu hướng sàng lọc chỉ còn các DN lớn ngày càng có quyền lực, loại bỏ các DN nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát mà không tính tới các DN XK gạo có giá trị và chất lượng cao.
Và rốt cuộc, phải mất vài năm trời trong sự than vãn của DN ngành gạo và rào cản XK gạo, quyết định về bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo mới được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt vào đầu năm 2017, mở đầu cho động thái quyết liệt của Bộ này nhằm cắt giảm những ĐKKD gây khó cho DN trong những năm qua.
Chỉ muốn nói rằng kết quả Khảo sát môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế trên toàn thế giới nhờ một số cải cách nhằm tạo thuận lợi kinh doanh.Tuy nhiên, dù được cải thiện nhiều về hạng mức, nhưng Việt Nam vẫn đứng sau một số quốc gia trong khu vực ASEAN.
Như khuyến nghị từ WB, Việt Nam vẫn có những vấn đề cần cải thiện về môi trường pháp quy trong nhiều lĩnh vực. Điều cần làm là tiếp tục cải cách để cải thiện chất lượng pháp quy và đảm bảo môi trường nhất quán, hiệu quả và công bằng để Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân.
![]() |
Điều mà các DN cần là việc cắt giảm ĐKKD ngành công thương cần thực chất, không để cắt cái này lại “đẻ” ra cái khác
Cần đi vào thực chất
Trong môi trường kinh doanh, tình trạng ĐKKD bủa vây là điều mà các DN ngán ngẩm, đặc biệt là những DN liên quan đến ngành công thương. Một tín hiệu lạc quan là sau những phản ánh của dư luận, vào tháng 9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn 2017 – 2018.
Nay, việc cắt giảm này hoàn toàn thành hiện thực khi vào ngày 15/1/2018, trước khi đến dự hội nghị tổng kết tại Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định cắt giảm 675 ĐKKD, tương đương 55% trong tổng số 1.216 ĐKKD mà Bộ Công Thương quản lý.
Thủ tướng đánh giá ngành công thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính.
Rõ ràng “lợi ích cục bộ” trong bộ ngành (trong đó có ngành công thương), nhất là trong các ĐKKD là điều mà trước đây, giới DN từng quan ngại. Thiết nghĩ, cũng nên nhắc lại việc so sánh chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng xét riêng về chỉ số gia nhập thị trường thì Việt Nam vẫn có thứ hạng thấp. Thậm chí, ở các quốc gia khác, cải cách các thủ tục gia nhập thị trường còn nhanh hơn Việt Nam.
Thủ tục hành chính về gia nhập thị trường của Việt Nam tuy tốt hơn trung bình các nước trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nhưng còn nhiều phiền hà (đơn cử như số ngày nhận giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng, giấy phép nhập khẩu) so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. So với các quốc gia khác, các điều kiện gia nhập thị trường của Việt Nam hiện nay vẫn còn khó khăn và là rào cản với sự phát triển của DN.
Trở lại vấn đề cắt giảm ĐKKD ở Bộ Công Thương, trong một lần trao đổi, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh cần phải ghi nhận những quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm các ĐKKD.
Tuy vậy, theo bà Thảo, cũng cần phải xem là nội dung cắt giảm các ĐKKD đó có đi vào thực chất hay không; Bản chất của con số 675 ĐKKD bị cắt bỏ là như thế nào.
Ngay như một số ĐKKD liệu có phải đơn thuần là gộp lại. Và điều đáng lo là việc phân biệt ĐKKD đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa vẫn còn khá lúng túng.
Điều mà các DN cần ở Bộ Công Thương là sau khi Thủ tướng đã ký Nghị định để cắt giảm 675 ĐKKD thì triển khai sao cho thực chất. Không những vậy, bộ này nên tiếp tục lắng nghe phản hồi từ phía DN để rà soát lại những ĐKKD bất hợp lý rồi cắt tiếp và đừng để xảy ra câu chuyện cắt bỏ số ĐKKD này nhưng lại “đẻ” ra các thủ tục, quy định khác chỉ làm khó DN.
Thế Vinh