Ngày 31/12/2015, AEC chính thức được thành lập, mở ra một thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân, tổng GDP năm 2014 đạt 2.505 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1.000 tỷ USD. Trong tương lai, AEC sẽ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.
Vì vậy, với việc tham gia AEC, đây sẽ là cơ hội vàng cho DN Việt và người tiêu dùng khi có cơ hội tiếp cận với hàng hóa đa chủng loại trong khu vực với giá cả cạnh tranh.
![]() |
Vẫn có tới 76% DN Việt Nam không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC.
Cơ hội đến, qua đi rất nhanh
Theo Bộ Công Thương, việc tham gia xây dựng AEC đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực sẽ mở ra cơ hội lớn, như tự do hóa dịch vụ trong AEC sẽ là cơ hội để các ngành dịch vụ của Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế như du lịch, vận tải hàng không, logistics…
Cơ hội là vấn đề không phải bàn cãi nhưng DN Việt sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào? Hàng hóa Việt có cạnh tranh được so với hàng hóa các nước trong khu vực ngay tại sân nhà hay không, chưa nói tới việc DN Việt sẽ tấn công thị trường các nước trong khu vực. Thời cơ sẽ đến và qua đi rất nhanh, nếu DN không nắm bắt được sẽ thua ở ngay chính “sân nhà”.
Nỗi lo càng hiện hữu khi theo thống kê đến nay, vẫn có tới 76% DN Việt Nam không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC. Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN đã ký Bản kế hoạch chiến lược nhằm hình thành và phát triển AEC từ tháng 10/2013.
Theo lộ trình, từ năm 2015, Việt Nam tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0% và chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018 (bao gồm các mặt hàng ôtô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại…).
Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp (như gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường…)
“Nước đã đến chân”
Với người Việt, đây là tin vui vì sẽ có thể mua hàng hoá đa dạng với mức giá rẻ, cạnh tranh hơn. Nhưng với DN Việt, đây lại là mối lo, bởi nếu không có sự chuẩn bị trước, nâng cao chất lượng hàng hóa thì chính sản phẩm của mình sẽ ra rìa ngay trên thị trường nội địa.
Thực tế, việc hàng ngoại chiếm ưu thế so với hàng Việt đang ngày càng hiện hữu, đó không chỉ là các mặt hàng cao cấp, mà ngay cả với những mặt hàng mà lâu nay Việt Nam vốn có lợi thế như hoa quả, gạo… cũng đang ngày càng lép vế. Như với trái cây chẳng hạn, trái đẹp, có thể ăn nhanh, giá cả lại bình dân nên xoài Campuchia đang ngày càng được người tiêu dùng và DN Việt Nam ưu chuộng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Campuchia, Campuchia có 65.000ha trồng xoài, sản lượng mỗi năm đạt 2,6 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường có lượng hàng xuất lớn nhất.
Gạo Campuchia cũng đang được nhiều người Việt ưa thích. Nhiều người dùng Việt cho biết, họ dùng gạo Campuchia vì gạo Campuchia sạch, không có thuốc trừ sâu như gạo Việt. Hoa quả Thái Lan đã và đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất. Hàng xuất xứ Thái Lan đang đứng thứ 2 về số lượng mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, thị trường nội địa không còn là thị trường của riêng DN Việt Nam. Sản phẩm của Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0% khi Cộng đồng AEC được hình thành. Đáng lưu ý là trong bối cảnh gần đây, Thái Lan cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam, cho biết mới đây, nhà tỷ phú Thái Lan của BJC đã tuyên bố sẽ bán tới 60% hàng Thái khi mua chuỗi siêu thị Metro. Nhiều khả năng, họ cũng sẽ mua luôn cả BigC.
“Họ đầu tư cả sản xuất và phân phối. Có những mặt hàng, chúng ta đã đi làm thuê cho họ rồi. Đó là điều sẽ rất bình thường ở AEC – khi tự do lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ được khởi động mạnh”, ông Phú nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Ts. Lê Đăng Doanh cũng từng cảnh báo: “Các siêu thị của nước ngoài sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa của họ và hàng hóa của các DN và hàng nông sản Việt Nam có nguy cơ bị đẩy ra khỏi siêu thị. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại xuất nhập khẩu (Tổng cục Thống kê), cho biết trong năm 2015, nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia cũng ngày càng gia tăng và mức nhập siêu từ những thị trường này cũng đang tăng lên.
“Cụ thể, trong năm 2015, mức nhập siêu không chỉ từ Trung Quốc tăng lên mà nhập siêu từ Malaysia và Thái Lan cũng tăng với nhiều mặt hàng liên quan đến tiêu dùng, nguyên phụ liệu. Với nhiều Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia, phải nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong nước, nếu không, việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa tràn vào và cạnh tranh với thị trường trong nước”, bà Thủy dẫn chứng.
Lê Thúy
Ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Chính phủ Nói về tiềm lực đất nước, cả về thể chế, kinh tế, nguồn lực con người, về mặt xã hội, tôi tin là Việt Nam đủ khả năng để đáp ứng các thách thức trong AEC. Nhưng vấn đề là cố gắng của chúng ta đến đâu. Nếu chúng ta cố gắng tốt, tận dụng các cơ hội mang lại và khắc phục được những thách thức thì cũng giống như chúng ta đã làm được trước đây khi hội nhập, sẽ có kết quả tốt đẹp. Nếu chúng ta lơ là, không cố gắng thì sẽ không tận dụng được tiềm lực đã có hay những cơ hội mang lại thì chúng ta sẽ thua. Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trước tiên, doanh nghiệp phải nắm chắc các cam kết để thực thi cho đúng, khẩn trương tái cơ cấu, xây dựng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh. Không có lời khuyên chung cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nào cũng phải xác định lại lợi thế để chọn được sản phẩm mục tiêu, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, văn hóa kinh doanh phù hợp để có chỗ đứng và đi được chặng đường dài. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Với việc hình thành AEC, thị trường sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn vì chúng ta tham gia nhiều FTA. Ngay từ lúc này, các bộ ngành liên quan, trong đó là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước, ngăn chặn hàng nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để có thể tiến hành khởi kiện nhiều hơn với hàng nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. |