Nhìn lại những phản ánh mới đây của các nhà đầu tư Nhật trong ngành chế biến thực phẩm sẽ thấy khâu thủ tục kiểm soát còn bất cập.
Chẳng hạn tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, việc kiểm tra mẫu thử đối với mỗi lần nhập khẩu gây ảnh hưởng đến việc cung cấp những mặt hàng thực phẩm tươi sống tới người tiêu dùng tại Việt Nam.
Vẫn còn lấn cấn!
Nói cách khác, thời gian cần cho việc kiểm tra mẫu thử đối với các mặt hàng thịt khoảng 7 ngày và mặt hàng rau củ quả là 4 ngày. Tuy nhiên, đây là các mặt hàng tươi sống, cần phải tính cả thời gian bảo quản trong kho lạnh tại cảng vào thời gian kiểm tra.
Chính vì vậy mà độ tươi ngon của thực phẩm bị ảnh hưởng, thêm vào đó là chi phí tiền điện để bảo quản hàng trong kho lạnh tại cảng cũng cao, dẫn đến giá cuối cùng bị cộng lên nhiều.
Thực tế, đó cũng chỉ là một trong những vấn đề mà các DN thực phẩm Nhật còn gặp vướng mắc ở Việt Nam. Ngoài ra, có thể kể đến việc kiểm nghiệm bổ sung trong việc đánh giá tính hợp quy của sản phẩm; website đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm; các thành phần, hoạt chất không được ghi trên nhãn của thuốc bảo vệ thực vật; thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu tại Đà Lạt.
Xoay quanh vấn đề thủ tục kiểm soát ngành chế biến thực phẩm, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 22/3 nhằm giới thiệu Triển lãm chuyên ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống – Food Ingredients Vietnam 2018 (diễn ra giữa tháng 5/2018), bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết việc phải tốn kém chi phí hành chính từng là nỗi ám ảnh của các DN chế biến thực phẩm. Nhất là một sản phẩm ra tới thị trường phải thông qua ba Bộ và mười mấy giấy phép con.
Theo bà Chi, các DN thực phẩm đang đón nhận Nghị định 15/2018/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 2/2018 nhằm thay thế Nghị định số 38/2012 về an toàn thực phẩm.
Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ “cởi trói” hết cho các DN trong ngành chế biến thực phẩm. Việc cải cách thủ tục của Chính phủ sẽ giúp các DN trong ngành này nâng cao sức cạnh tranh khi tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm thời gian.
![]() |
Giới đầu tư trong ngành chế biến thực phẩm vẫn mong cải cách thủ tục nhanh hơn nữa
Mong cải cách nhanh hơn nữa
Đánh giá cho thấy việc thực thi Nghị định 15 sẽ giúp các DN ngành thực phẩm giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng.
Theo đó, số lượng sản phẩm hàng hóa phải công bố giảm tới 90% theo hướng phân cấp cho địa phương và DN tự công bố. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày.
Bà Chi cho rằng đây là sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm và từ việc chỉ có những đơn vị nhà nước nào được chấp nhận về công bố chỉ tiêu chất lượng thực phẩm, nay đã thay đổi với nhiều quyền lợi hơn cho DN trong việc công bố sản phẩm.
Trở lại câu chuyện về tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật, phía Jetro bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể xem xét rút ngắn thời gian kiểm tra và giảm tần suất kiểm tra mẫu thử trong phạm vi hợp lý mà vẫn bảo đảm đạt được mục đích của việc kiểm dịch đối với các mặt hàng thịt và rau củ quả được phân phối ở Việt Nam.
Về kiểm dịch thực vật, Nhật Bản thực hiện kiểm tra hiện vật đối với mỗi lần nhập khẩu mặt hàng rau củ quả nhưng thời gian kiểm dịch thông thường chỉ mất khoảng 2 – 4 tiếng. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp phải kiểm tra hiện vật khi kiểm dịch động vật, phần lớn các trường hợp ở Nhật chỉ mất khoảng vài phút là giải quyết xong.
Rõ ràng có sự tương phản lớn về thời gian kiểm dịch giữa hai quốc gia. Đây là điều mà các cơ quan quản lý, kiểm soát ngành chế biến thực phẩm ở Việt Nam cần suy ngẫm khi thời gian, tần suất kiểm dịch vẫn còn là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngay như website đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm cũng làm cho các DN thực phẩm không hài lòng. Theo quy định, đối với thực phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, cần phải đăng ký công bố hợp quy với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Tuy nhiên, như phản ánh của Jetro vào trung tuần tháng 3/2018 là website này thường xuyên trong tình trạng không truy cập được.
Phía Jetro cũng nhắc lại khoảng vài tuần từ tháng 6 đến tháng 7 năm ngoái, server của website này bị sự cố down nên không thể truy cập và thao tác rất chậm. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng website khó sử dụng, ví dụ như thường xuyên bị yêu cầu thay đổi mật khẩu.
Trong khi đó, việc đăng ký trên website của Bộ Y tế là không thể thiếu khi nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam, vì vậy việc không thể truy cập cũng như sự bất tiện khi sử dụng trang web sẽ gây khó khăn tới DN thực phẩm.
Nên nhắc thêm lời của bà Lý Kim Chi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết chính thức mới đây sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho các DN thực phẩm Việt. Nếu như khâu cải cách thủ tục hành chính hiệu quả hơn nữa thì sẽ giúp nhiều cho DN thực phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên các thị trường rộng lớn.
Thế Vinh