Khi mới thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TT, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Lai Châu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do trình độ dân trí của người dân không đồng đều giữa các vùng; công tác đào tạo nghề chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ nên chưa mang lại hiệu quả cao.
Chú trọng vai trò kinh tế hợp tác
Để công tác dạy nghề được triển khai có hiệu quả, tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trước khi khai giảng các lớp học, các cơ sở đào tạo tiến hành tổ chức tuyên truyền tư vấn, chiêu sinh, giúp nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc học nghề, từ đó tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia học nghề đúng theo nhu cầu, phù hợp theo độ tuổi, định hướng kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phổ biến thông tin về vai trò của kinh tế hợp tác (KTHT) để giúp nông dân nhận thức và tham gia các mô hình Tổ hợp tác, HTX, giúp giải quyết việc làm sau học nghề mang tính bền vững.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, KTHT mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình đào tạo nghề cho LĐNT.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, KTHT, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Chính vì vậy, lợi thế đầu tiên là mọi người có được việc làm nhưng không phải đi xa, lại được hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra.
Ngoài liên kết với Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc bộ, tỉnh còn liên kết chặt chẽ với các Tổ hợp tác, HTX để đào tạo các nghề về chăn nuôi bò, gà; nuôi trồng thủy sản nước lạnh, nuôi ong, trồng lúa hàng hóa… nhằm bảo đảm 95% học viên sau khi đào tạo nghề có việc làm và trên 60% các học viên có thu nhập ổn định.
Lớp học nghề thêu cho đồng bào Mông xã Nậm Loỏng, Tp.Lai Châu |
Hiệu quả nhất định
Việc tập trung vào vai trò của mô hình KTHT bước đầu mang lại một số kết quả. Hầu hết các lớp đào tạo nghề tại các địa phương đều thu hút được học viên đến lớp, tỷ lệ học viên nghỉ học ít hơn so với các năm trước. Đặc biệt việc xây dựng mô hình thực hành hiệu quả đã khích lệ tinh thần học tập của học viên.
Hiện, tỉnh Lai Châu đã triển khai đào tạo 35 nghề, trong đó có 20 nghề phi nông nghiệp và 15 nghề nông nghiệp. Phương pháp, hình thức đào tạo cũng được đổi mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề đã kết hợp giữa mở các lớp đào tạo ngắn ngày với việc dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề trình độ dưới 3 tháng cho LĐNT.
Thông qua việc học nghề, hầu hết các nông dân đã biết bố trí cơ cấu cây con phù hợp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt có nhiều nông dân sau khi học nghề đã tự nguyện thành lập HTX hoặc nhiều HTX đã thu hút thêm thành viên, người lao động như: HTX Đông Phong, HTX Hưng Thịnh (Tp.Lai Châu), HTX Trường Sinh (huyện Phong Thổ)… Các HTX, Tổ hợp tác đã có những hoạt động hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, thực hiện quảng bá sản phẩm cho thành viên, nông dân.
Qua đó, một số sản phẩm tiêu biểu như: Các loại rượu, gạo đặc sản, các sản phẩm chè, miến dong, thảo quả, mật ong, bàn, ghế mây, đệm bông gạo, sản phẩm may mặc thổ cẩm, thảo dược, bánh truyền thống dân tộc Giáy, gạo Séng Cù… được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh đã ký kết với các đơn vị là doanh nghiệp, HTX đào tạo nghề cho 16.281 người, trong đó đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT 13.847 người, đào tạo nghề cho người nghèo 1.195 người, đào tạo nghề cho người khuyết tật 155 người. Đối tượng tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh cơ bản là người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Trong số người đã học xong, có 15.896 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn.
Như Yến