Có một chỉ tiêu duy nhất trong 5 năm qua của toàn ngành xây dựng không đạt kế hoạch là diện tích nhà ở. |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua 5 năm (2016-2020), toàn ngành này cơ bản đã hoàn thành và vượt mốc ở 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành xây dựng đạt mức từ 8,5 - 8,7%/năm, nằm trong ngưỡng kế hoạch đề ra đối với nhóm công nghiệp, xây dựng.
Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%. Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%.
Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị cũng đạt khoảng 91%...
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ rõ duy nhất 1 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc chỉ đang ở mốc 24m2 sàn/người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 25m2 sàn/người vào năm 2020.
Bên cạnh đó, công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa đạt được chưa như kỳ vọng với tổng diện tích thực hiện hơn 5,21 triệu m2, chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đạt 12,5 triệu m2.
Tính đến nay, riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 264 dự án có quy mô 219.000 căn hộ, tương đương gần 11 triệu m2 sàn.
Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này vẫn đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá nhà chung cư cũ và thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm; tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương trên cả nước.
Các địa phương cũng triển khai từng bước chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn như kiểm định, đánh giá chất lượng an toàn chịu lực; lập và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức di dời, tháo dỡ; lập, phê duyệt dự án và dự án đầu tư. Thế nhưng, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ vẫn thực hiện rất chậm.
Tuy nhiên, trên thực tế đang tồn tại những "rào cản" trong phát triển nhà ở. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh; một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường nên khó khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Mặc dù vậy, Bộ Xây dựng vẫn quyết tâm đặt mục tiêu cho giai đoạn 5 năm tới, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt sẽ khoảng 26 - 27m2 sàn/người; trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26m2/người, khu vực nông thôn đạt khoảng 25m2/người. Đặc biệt, tỷ lệ dân số sống trong nhà ở đơn sơ chỉ còn 1%.
Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Đồng thời, phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ, tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.
Cùng với việc đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, cần bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở.
Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cùng các chương trình hỗ trợ nhà ở khác.
Hải Sơn