Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ), có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2019 khiến nhiều người chơi họ có thể yên tâm hơn vì đã được pháp luật bảo vệ.
Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định 144, họ vẫn thu hút rất nhiều người chơi tham gia. Tuy nhiên, do còn nhiều khoảng trống pháp lý khiến hình thức này ngày càng trở nên biến tướng như một hoạt động huy động vốn, cho vay nặng lãi.
Không thể buông lỏng quản lý
Cơ quan công an cho biết, thời gian gần đây, liên tiếp các vụ vỡ họ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận lo ngại, trong khi đó, việc xử lý tranh chấp gặp nhiều khó khăn do những quy định về họ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Dưới góc độ chuyên gia ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chơi họ không như hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng cho vay thì có giấy tờ thẩm định, còn những người chơi họ thì chỉ dựa vào uy tín của nhau. Chơi họ là hình thức cho vay và tiết kiệm dựa trên lòng tin, vì thế mà nó mở ra những cơ hội lừa đảo, lợi dụng lòng tin đó.
Dù biết chơi họ rất nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chơi vì không đủ điều kiện vay ngân hàng những lúc cần tiền để đáp ứng nhu cầu của mình. “Khi cần gấp một số tiền, người vay sẽ không quan tâm đến mức lãi suất. Vì vậy mới có trường hợp ban đầu chỉ vay 3 triệu, nhưng vài tháng sau thì số tiền phải trả lên đến hàng chục triệu”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, hình thức họ đa phần bị biến tướng để huy động vốn trả lãi cao, đánh vào lòng tham của người dân. Vì thế, nhiều người bỏ qua việc “chọn mặt gửi vàng” sẵn sàng cắm sổ đỏ, vay anh em, bạn bè để chơi họ mà không cần kiểm chứng chủ họ là ai, có khả năng trả nợ hay không.
Đáng nói, những rủi ro trong chơi họ là rất lớn nhưng hình thức vay mượn vẫn được thực hiện bằng lời nói mà không có văn bản, chứng từ nào nên nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà pháp luật lại không có chế tài để xử lý.
Để bịt khoảng trống pháp lý về chơi họ, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19 quy định về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường và những điều kiện, thỏa thuận liên quan.
Theo đó, lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20% một năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Mức lãi suất giới hạn này chỉ được điều chỉnh nếu có quyết định khác từ cơ quan có thẩm quyền.
![]() |
Những rủi ro trong chơi họ là rất lớn |
Bịt khoảng trống bằng chế tài
Trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần họ, trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ, thành viên chưa lĩnh họ không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần họ được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả. Nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.
Theo đánh giá của giới luật sư, mặt tốt của việc chơi họ góp phần không nhỏ để cho người dân có một số vốn nhất định khi cần sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cái dễ vỡ của họ là việc huy động tiền với lãi suất cao lên đến 200%/ năm. Vì thế, việc áp trần lãi suất vay sẽ hạn chế được rủi ro, tránh vỡ họ cho người chơi.
Ngoài ra, các thỏa thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản, thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu chủ họ và các thành viên có yêu cầu (không bắt buộc). Tuy nhiên, trường hợp dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận bắt buộc có công chứng, chứng thực.
Đánh giá về quy định này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho rằng việc thỏa thuận bằng văn bản và công chứng, chứng thực cũng khó có thể ngăn chặn việc vỡ họ như thời gian vừa qua, bởi kể cả các văn bản thỏa thuận về họ giữa các cá nhân với nhau không công chứng, chứng thực cũng có giá trị pháp lý.
“Vấn đề hụi, họ là một hình thức tốt, tương trợ tài chính lẫn nhau trong dân. Việc công chứng, chứng thực càng gây phiền phức cho người dân mà không có giá trị ngăn chặn các biến tướng tiêu cực”, luật sư Trần Tuấn Anh nhận định.
Huyền Anh