![]() |
Trong quý I/2016, Việt Nam đã xuất hơn 2.139 tấn (thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài) sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, xấp xỉ 50% so với sản lượng cả năm 2015.
Trái thanh long có sự tăng trưởng ấn tượng ở cả 3 thị trường này, trong đó Mỹ với hơn 1.103 tấn, bằng 60% sản lượng của cả năm 2015.
Hiện thanh long của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang những thị trường được đánh giá là khó tính với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản.
Cụ thể, thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có trọng lượng từ 300 gram trở lên đồng thời phải đạt tiêu chuẩn của nước sở tại về dư lượng hóa chất. Toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình xử lý được các chuyên gia của phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát rất chặt chẽ.
Còn Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng cho biết, thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường này.
Đối với vải thiều, tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016 được tổ chức ngày 17/5. Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2016, tỉnh Bắc Giang được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải thiều cho hơn 200 hộ dân, tập trung ở hai xã Hồng Giang và Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) với diện tích 158 ha (tăng 97,66 ha, tăng 9 mã vùng so với năm 2015).
Tất cả cơ sở trồng vải thiều được Mỹ cấp mã vùng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn GlobalGap cũng như dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi và đã có 16 lô vải tươi với trên 28 tấn đã được đưa sang thị trường này.
Đáng chú ý, xoài Việt Nam đã có vị thế mới khi cuối năm 2015, Nhật Bản chính thức nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam, song chỉ nhập khẩu giống xoài cát chu vì thị trường này chỉ ưa thích loại xoài trên. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện có 2 loại trái cây tươi của Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản là thanh long ruột trắng, xoài cát chu, có khả năng tới đây sẽ có thêm thanh long ruột đỏ.
Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng cho biết, Úc cũng đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11/2015 và công việc còn lại là hoàn thiện các thoả thuận thương mại.
Được biết, hiện trái cây của Việt Nam đã có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2015 đã có 16 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD.
Công Trí