Năm 2016, khi XK gỗ chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 7 tỷ USD, với mức tăng trưởng 1,1% (thấp kỷ lục trong 15 năm trở lại đây), nhiều chuyên gia dự báo, ngành gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với một năm 2017 đầy rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh EU và nước Mỹ – thị trường XK lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam đang có nhiều bất ổn.
Đón đầu thị trường Mỹ
Song trái với dự đoán, tình hình XK đồ gỗ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 lại tăng trưởng thuận lợi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2017, XK gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt kim ngạch 1,78 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tháng 4/2017, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 594 triệu USD, nâng kim ngạch XK gỗ bốn tháng đầu năm 2017 chạm mốc 2,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Với đà tăng trưởng hai con số của những tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến và XK gỗ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8 – 10%, đạt kim ngạch trên 7,5 tỷ USD trong năm 2017. Đây là mức tăng trưởng cần thiết để ngành gỗ Việt Nam sớm đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM, “Giá trị XK của ngành gỗ trong năm 2017 có thể vượt mốc 8 tỷ USD và mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn có thể. Ngành gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội mới, trong đó có việc thị trường Mỹ áp thuế bán phá giá với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc”.
“Trung Quốc đang chiếm gần 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu ở Mỹ và là đối thủ lớn nhất của Việt Nam tại thị trường này. Hàng rào thuế quan sẽ khiến các đơn hàng dịch chuyển sang những nước XK gỗ tại ASEAN. Việt Nam là quốc gia XK đồ gỗ lớn nhất khu vực, đây sẽ là cơ hội lớn để chúng ta chiếm lĩnh thị trường xấp xỉ 30 tỷ USD, góp phần lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay”, ông Hạnh phân tích.
Cùng với đó, việc hàng loạt các FTA bắt đầu có hiệu lực cũng là cơ hội mở rộng thị trường cho ngành gỗ Việt Nam. Điển hình như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, sau khi có hiệu lực, XK đồ gỗ sang Hàn Quốc đang tăng trưởng mạnh. Trong quý I/2017, kim ngạch XK đồ gỗ sang thị trường này đạt trên 143,8 triệu USD (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2016).
![]() |
Ngành công nghiệp chế biến và XK gỗ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8 – 10%, đạt kim ngạch trên 7,5 tỷ USD trong năm 2017.
Hóa giải “điểm nghẽn”
Nhiều cơ hội mới đang mở ra, nhưng để đạt được mục tiêu, ngành gỗ Việt Nam còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần hóa giải. “Bài toán” thiếu hụt nguyên liệu vẫn đang và sẽ là thách thức lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES, nhận định: “Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam cần từ 29 – 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong khi trong nước chỉ đáp ứng được hơn 20 triệu m3. Từ nay tới năm 2020, với mục tiêu XK đạt 10 tỷ USD, mỗi năm nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng 3 – 4 triệu m3. Áp lực nguồn nguyên liệu với ngành gỗ Việt Nam là rất lớn”.
Bàn về giải pháp, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ đề xuất hạn chế XK gỗ nguyên liệu, vì theo tính toán, nguồn gỗ nguyên liệu XK hằng năm tương đương lượng gỗ nhập khẩu, nên nếu được giữ lại sẽ giúp DN trong nước chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo các đơn hàng, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh.
Các biện pháp tăng diện tích rừng trồng cũng đang được chú trọng. Năm 2017, Bộ NN&PTNT đang chuyển dần diện tích hơn 200.000ha trồng cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn, dự kiến đến năm 2020, sẽ có trên 500.000ha trồng cây gỗ lớn, chất lượng cao. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng dự kiến chuyển đổi từ 1 – 1,2 triệu ha rừng phòng hộ (ít trọng yếu) sang rừng kinh tế, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho DN từ năm 2025.
Bên cạnh đó, việc thiếu liên kết và cạnh tranh kém cũng đang là điểm yếu của nhiều DN gỗ Việt Nam. Là quốc gia XK hàng đầu trong khối ASEAN song các DN gỗ Việt Nam vẫn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, khó cạnh tranh về giá XK. Điển hình như sản phẩm ghế gỗ bọc da, nếu Malaysia chào giá 12 USD/chiếc, Việt Nam chào bán với giá 17 USD/chiếc.
Vì vậy, Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) khuyến nghị, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam cần tăng cường liên kết, cạnh tranh công bằng để tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu tư; Đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực, công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt, tiếp cận với những thị trường khó tính.
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc công ty chế biến gỗ MIFACO, nhấn mạnh: “Trước hết cần có sự liên kết chặt chẽ hơn, quy mô lớn hơn giữa các hiệp hội. Tiếp đó là sự liên kết giữa các DN sản xuất và chế biến gỗ với nhau. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chủ động trong điều phối, hỗ trợ để tăng tính hiệu quả và bền vững của liên kết này”.
Văn Nguyễn