Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thuỷ sản Việt Nam đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại của toàn ngành trong 9 tháng đạt gần 7 tỷ USD.
Mở rộng thị trường trong nước
Ngành nông nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ với nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân nhưng vẫn luôn gặp phải tình huống được mùa mất giá, được giá mất mùa, thậm chí mất mùa mất cả giá và thường xuyên phải tiến hành giải cứu.
Những khó khăn này yêu cầu thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hoá, truy xuất mọi lúc mọi nơi. Vì thế, trước khi sản xuất ra phải tìm hiểu xem thị trường cần gì.
Đã đến lúc người sản xuất Việt Nam cần phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo nếu như muốn mở rộng thị trường, tăng giá trị cho sản phẩm nông sản mà mình làm ra.
Tiên phong trong việc xem hàng nông sản, đặc biệt là nông sản nội địa là một mắt xích rất quan trọng trong hệ thống phân phối, trong suốt hơn 30 năm hoạt động, Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã luôn nỗ lực trong việc kết nối, hỗ trợ đưa nông sản Việt đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn chất lượng và giá cả phù hợp.
Đến nay, mạng lưới bán lẻ phục vụ người tiêu dùng của Saigon Co.op đã phủ đến 43 tỉnh, thành trong cả nước với gần 800 điểm bán rộng khắp cả nước. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới siêu thị, công tác đầu tư mở rộng cũng như công tác chuẩn bị kho bãi cũng được Saigon Co.op quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo số lượng lẫn chất lượng hàng hóa lưu trữ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các siêu thị trong toàn hệ thống.
Với quyết tâm tham gia sâu vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc hợp tác với các tỉnh/thành, không ngừng tìm kiếm và đầu tư cho các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ nông dân có năng lực, uy tín và cùng chí hướng.
Từ đó có thể chủ động hơn trong công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm từ gốc, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến XK.
Đặc biệt, Saigon Co.op sẵn sàng tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ khi triển khai sản phẩm nông nghiệp VietGAP từ năm 2012.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đã và đang tập trung nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư sản xuất cung ứng sản phẩm hữu cơ, tiếp cận dần với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để đáp ứng được xu hướng tiêu dùng, nâng cao giá trị chất lượng cuộc sống. Đồng thời, thiết lập mô hình gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Từ đó, tạo tiền đề liên kết và phát huy lợi thế của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất (nông dân) và nhà phân phối (Saigon Co.op) để đưa sản phẩm sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng.
Xúc tiến thương mại để nắm bắt cơ hội
Thực tế, việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước của Saigon Co.op là nền tảng để nông sản Việt khi đã vào được hệ thống của Liên hiệp sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng sang các nước với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cao hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Saigon Co.op, việc tiếp nhận các sản phẩm nông sản nội địa vào hệ thống siêu thị của đơn vị một cách trực tiếp (từ người sản xuất) hay gián tiếp (thông qua các DN cung cấp) cũng rất hạn chế.
Một trong các nguyên nhân chính của hạn chế này là do chất lượng sản phẩm chưa đạt theo yêu cầu của quản lý chất lượng của Việt Nam, chứ chưa nói tới các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khác của các nước phát triển.
Đáng chú ý, kế hoạch mở rộng mạng lưới sang các nước của Saigon Co.op vẫn chưa được tập trung nhiều vì một số lý do về sự am hiểu pháp lý các nước, chất lượng sản phẩm của những nhà sản xuất nông sản Việt, nguồn cung ứng hàng hóa phải đảm bảo chất lượng lâu dài theo tiêu chuẩn các nước...
Có một thực trạng đáng quan tâm của nông sản Việt Nam hiện nay là mới chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất nông sản Việt chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, cơ sở chưa đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sản xuất và kinh doanh, hoặc chưa sẵn sàng các thủ tục pháp nhân để giao dịch mua bán.
Hơn nữa, nông sản thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết, hạn chế việc vận chuyển xa, chủ yếu là tiêu thụ tại địa phương, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Trong khi các HTX chỉ sản xuất đại trà các sản phẩm thông thường, tập trung tại một thời điểm khiến nguồn cung vượt nhu cầu dẫn đến dư thừa.
Ngoài ra, còn có những vấn đề liên quan đến logistics, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hiện vẫn chưa có nhiều đơn vị thực hiện sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm cam kết nguồn cung ổn định, lâu dài.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Saigon Co.op nhận định xúc tiến thương mại đóng vai trò rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh thương hiệu nông sản Việt ra thị trường quốc tế bằng nhiều hình thức truyền thông.
Khi chất lượng nông sản Việt đã đạt được các tiêu chuẩn XK, một vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải đảm bảo đó là phải có chiến lược phát triển cân đối nguồn cung. Chỉ có như vậy, nông sản Việt mới có thể mở rộng và phát triển bền vững.
Dẫn lời ông Hans Farnhammer, Bí thư Thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Trần Lâm Hồng, Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết: “Các DN Việt cần có hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với nông sản. Nếu DN thiếu kiến thức về các rào cản thương mại sẽ không có cơ hội tiếp cận những thị trường mới ở châu Âu”.
Mục đích của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của thương nhân hiệu quả hơn.
Với các hình thức xúc tiến thương mại như: khuyến mãi, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, tổ chức hội chợ triển lãm..., Saigon Co.op trong nhiều năm qua đã và đang tổ chức thực hiện khá thành công, thu hút hàng triệu lượt khách hàng đến với hệ thống siêu thị trong cả nước.
Đó là định hướng, nhưng để phát triển hơn nữa thị trường tiêu thụ đối với nông sản Việt một cách bền vững vẫn cần phải tháo gỡ một số vướng mắc như: Nhà nước cần đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản và các rào cản thương mại trên thế giới cho DN, nhà sản xuất nông sản Việt nắm bắt kịp thời xu hướng; khuyến khích đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mặt hàng nông sản; quy hoạch tổng thể vùng vững chắc.
Về phía đơn vị sản xuất và XK cần đặt chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế VietGAP, GlobalGAP; xây dựng một chiến lược kinh doanh dài hạn và thương hiệu cho hàng nông sản.
Bản thân Saigon Co.op cũng chủ động kết nối phát triển mạng lưới bán lẻ, hợp tác liên kết với các nhà sản xuất, phòng vệ thực phẩm và chống giả mạo, cải tiến logistics, tăng cường hợp tác với đối tác nước ngoài...
Linh Đan