Trao đổi với VnBusiness, nhân viên bán hàng tại một nhà thuốc Long Châu cho biết, người dân thường mua nhiều loại thuốc để kết hợp điều trị Covid-19, nhất là các loại thuốc trị triệu chứng ho, sốt và thuốc bổ sung vitamin tổng hợp.
Kit test, thuốc điều trị COVID-19 "cháy hàng"?
Theo khảo sát của phóng viên sáng ngày 02/3/2022 tại một số quầy thuốc ở khu vực các quận Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội)..., nhu cầu tăng đột biến trong những ngày qua đã khiến một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 đang cháy hàng, nhất là các loại nước muối sinh lý, xịt họng, cồn khử khuẩn, nước bù điện giải Oresol, vitamin C... Đặc biệt, thuốc kháng virut Molnupiravir vẫn đang có lượng bán chạy nhất hiện nay.
Xếp hàng mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy. |
Ngoài ra, mặt hàng Kit test nhanh Covid-19 cũng đang khá khan hiếm, giá cả cũng khiến người mua... “hoa mắt” bởi nhiều mức giá khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hạnh (21 tuổi, Cầu Giấy) cho biết, sáng nay chị cùng một người bạn đi tìm khắp khu vực Mỹ Đình mới mua được Kit test, nhưng giá cả cũng mỗi nơi một khác. “Cùng một loại, mới hôm trước mua 80.000đ/chiếc, hôm nay tìm được chỗ có hàng thì chủ hiệu thuốc báo giá 135.000đ/ chiếc, đang cần nên tôi vẫn phải mua”, chị Hạnh nói.
Theo khảo sát, nhiều nhà thuốc uy tín có nhiều chủng loại thuốc, số lượng khách tới mua tăng vọt trong khoảng 1 tuần trở lại đây, thậm chí phải xếp hàng mới mua được. Nhiều loại thuốc khách hàng hỏi, nhà thuốc đều trả lời không còn để bán, đang chờ hàng về.
Việc các cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội có số lượng người mua tăng đột biến trong thời gian qua không khó lý giải khi mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19. Theo đó, nhu cầu mua thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống và điều trị bệnh cũng tăng cao đột biến. Thêm việc, nhiều người có tâm lý mua tích trữ, sẵn sàng cho tình huống nếu “bất ngờ” trở thành F0, cũng khiến cho các nhà thuốc rơi vào tình trạng quá tải.
Ngoài các cửa hàng thuốc kể trên, việc mua bán thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trên “chợ mạng” cũng hoạt động sôi nổi với nhiều kiểu chào bán, giá cả khác nhau. Tuy nhiên, do tính tiện lợi nên hình thức mua hàng online cũng được nhiều người dân lựa chọn.
Anh Lê Văn Thanh (quận Tây Hồ) cho biết: Cũng không có lựa chọn nào khác, tôi đến mấy hiệu thuốc hỏi thì đều được trả lời là hết cái này hết cái kia, giờ mình đang F0, đặt hàng trên mạng ship tới tận nơi, dễ mua, giá cũng tùy người bán. Mình cũng nhờ người quen chỉ giúp để mua được hàng tốt.
Cần mạnh tay "dẹp" loạn thuốc điều trị
Đáng nói, gần đây có nhiều loại thuốc được quảng cáo chữa Covid-19 trôi nổi trên thị trường, được không ít người chọn mua. Điển hình là các loại thuốc: Areplivir, Arbidol là thuốc phòng và điều trị cúm mùa...
Trước tình hình trên, lực lượng chức năng thành phố đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc điều trị Covid-19 và các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đơn cử, chiều ngày 23/2 vừa qua, công an quận Thanh Xuân cùng Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện Bùi Đức Toàn và Đinh Văn Hiểu đang trên đường tiêu thụ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 nhãn hiệu Arbidol. Số hàng này do nước ngoài sản xuất và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, được giao dịch qua mạng xã hội.
Ngoài ra, tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), mới đây đoàn công tác liên ngành của quận đã phát hiện 1 cơ sở trên địa bàn phường Chương Dương sản xuất thuốc Đông y nhưng lại “quảng cáo” chữa được Covid-19. Vụ việc hiện đã được lập hồ sơ xử lý.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để nhanh chóng ổn định tình hình, các đội nghiệp vụ đã đồng loạt tăng cường kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định của các cửa hàng, bao gồm: niêm yết giá đầy đủ, công khai, bán đúng giá, hàng hóa có nguồn gốc, nhãn mác chứng từ đầy đủ. Đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh cùng cam kết tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, không tự ý tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19.
Theo dự báo của các chuyên gia y tế, trong những ngày tới, Hà Nội bước vào thời kì đỉnh dịch, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng, nhu cầu thuốc dự phòng và điều trị Covid-19 vẫn rất "hot". Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng, bởi đây chỉ là tình trạng hết hàng tạm thời, các nhà thuốc đều đang có phương án cân đối nguồn cung, bình ổn giá và đáp ứng đầy đủ sức mua.
Đồng thời, người dân cũng cần theo dõi sát các khuyến cáo của Bộ Y tế, tránh việc mua và sử dụng thuốc không đúng, gây lãng phí. Việc nhiều người tích trữ Kit test, xét nghiệm nhiều lần liên tiếp không cần thiết. Không nên tự pha chế nước muối sinh lý vì muối biển có nhiều tạp chất, quá mặn hoặc quá nhạt đều không tốt cho cơ thể. Đặc biệt, việc dùng thuốc phải có sự hướng dẫn của cán bộ y tế; cần tỉnh táo trước những lời chào mời đối với những mặt hàng thuốc không rõ nguồn gốc.
Rõ ràng, tình trạng "đục nước, béo cò", lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bất chính đang xảy ra ở nhiều nơi khiến cơ quan chức năng phải "đau đầu" xử lý, trong khi đó việc "loạn thuốc, loạn giá" cũng khiến người dân hoang mang. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa để xử lý, chấm dứt tình trạng trên để người dân yên tâm trong phòng, chống và điều trị Covid-19.
Nguyễn Luận