Theo Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, trong năm 2017, EVN sản xuất và mua ngoài khối lượng điện kỷ lục, đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016. Trong đó, điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92%…
Chuyển từ độc quyền sang dịch vụ
Công tác vận hành thị trường điện phát điện cạnh tranh và triển khai thị trường bán buôn được thực hiện theo đúng quy định. Đến cuối năm 2017, có 80 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt 22.432MW, chiếm 52,8% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Đặc biệt trong công tác kinh doanh điện năng, EVN đã dần chuyển từ tư duy của ngành độc quyền sang ngành dịch vụ, được Doing Business ghi nhận có cải cách lớn đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng đơn giản, thuận tiện cho khách hàng.
Đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ về điện đã được EVN triển khai trực tuyến. Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam theo đánh giá của Doing Business đã có bước đột phá, tăng 32 bậc so với năm trước, đứng thứ 64/190 quốc gia (tăng 92 bậc kể từ năm 2013 đến nay).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những thách thức đối với ngành điện trong giai đoạn hiện nay. Đó là ngành đang đứng trước những mất cân đối lớn về nguồn cung và nhu cầu sử dụng điện của từng khu vực không tương ứng, trong khi miền Nam có nhu cầu sử dụng điện lớn nhưng năng lực cung ứng hạn chế, miền Bắc năng lực cung ứng dư dả hơn nên đang phải chuyển tải điện vào Nam.
Sự mất cân đối này dẫn đến những lãng phí và không hiệu quả về đầu tư, trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng thì nguồn điện lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, tới đây phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện để đảm bảo hiệu quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải giảm đầu tư nhưng không có nghĩa là tổng năng lực đầu tư giảm mà phải huy động từ các nguồn xã hội hóa, nhưng EVN vẫn phải giữ vai trò trụ cột trong cung ứng điện cho nền kinh tế.
![]() |
Khơi dậy tiềm năng xã hội hóa đầu tư ngành điện
Khắc phục mất cân đối
Phó Thủ tướng cho biết nguy cơ hiện hữu là năm 2018, các dự án triển khai không đi vào hoạt động đúng tiến độ sẽ dẫn đến khả năng thiếu điện.
“Không chỉ EVN mà các chủ đầu tư khác cũng gặp khó khăn khi không được Chính phủ bảo lãnh, năng lực hạn chế nên khó vay được vốn, điều này nếu Chính phủ không có cơ chế chính sách tháo gỡ thì sẽ rất khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra là một mặt, EVN phải cơ cấu lại các dự án nguồn điện để phù hợp với khả năng cung ứng, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế vì điện phải luôn đi trước một bước.
Mặt khác, EVN phải hướng tới quy hoạch mở, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác và nguồn lực trong dân. Cần xác định các dự án ưu tiên đưa vào hoạt động để đảm bảo đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân.
Tới đây, quy hoạch điện phải hướng tới bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn đập, phải hướng tới người dân vùng hạ du, chứ không chỉ là lợi ích trước mắt của ngành điện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí với việc lấy chủ đề năm 2018 của EVN là năm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đặc biệt yêu cầu EVN phải rà soát, đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc toàn diện từ đầu tư tới quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Phải làm sao để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả, năng suất lao động, công khai minh bạch giá điện để đáp ứng ngày càng cao đời sống nhân dân”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành điện.
Hồng Quân