Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ Công Thương cho hay, dòng xe tải nhỏ (đến 7 tấn) sản xuất trong nước đạt mục tiêu đề ra và đang có sự tăng trưởng tốt, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường, với tỉ lệ nội địa hóa đạt trung bình 50%.
Thị trường sôi động mà lặng lẽ
Mới nhất, ngày 12/11, công ty cổ phần tài chính Hoàng Huy đã ký kết với đối tác Navistar (Mỹ) hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD nhập khẩu 100.000 xe ô tô đầu kéo của Mỹ vào Việt Nam.
Thỏa thuận trên được đánh giá là hợp đồng nhập khẩu xe đầu kéo lớn nhất từ trước đến nay do một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện, và cũng là hợp đồng nhập khẩu ô tô xuất xứ từ Mỹ lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam ký kết. Trước đó, các dự án mua xe, đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam chủ yếu diễn ra trong thị trường xe du lịch.
Tuy nhiên, có vài điểm cần được chú ý sau sự “chói lóa” mà hợp đồng tỷ USD đô này đem lại. Theo đó, 100.000 xe ô tô đầu kéo do Mỹ sản xuất là do Hoàng Huy nhập về, chứ không sản xuất lắp ráp trong nước. 100.00 xe tải này bao gồm cả xe đã qua sử dụng, xe mới.
Và Navistar ngoài việc bán xe cho Hoàng Huy, cũng hỗ trợ doanh nghiệp này đào tạo kỹ sư sửa chữa, xây dựng hệ thống chăm sóc, bảo dưỡng xe của hãng này trên toàn quốc…
Sự lạnh nhạt của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam với xe tải thật trái ngược với sự sôi động của thị trường này.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2016, thị trường xe tải tại Việt Nam đạt doanh số kỷ lục với 84.188 xe (bao gồm cả xe bán tải và xe Van), nhiều hơn 15.056 xe so với tổng doanh số năm 2015 (tăng 22%).
Còn theo quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, đến năm 2020, lượng xe tải sản xuất trong nước cần đạt được 97.960 chiếc/năm, đáp ứng 78% nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng sản lượng xe nói chung sản xuất tại Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu chiếc, trong đó xe tải đạt 587.900 chiếc, xuất khẩu 90.000 chiếc.
Gần nhất, Tập đoàn Thành Công đã thành lập liên doanh cùng Hyundai Motor (Hàn Quốc) để đầu tư nhà máy lắp ráp công suất dự kiến khoảng 12.000 xe khách/xe bus và 30.000 xe tải các loại hàng năm đặt tại Ninh Bình.
Có thể nói, nội địa hóa sản xuất xe tải là miền đất dữ với các doanh nghiệp dám lao vào phân khúc này. Có doanh nghiệp máu me muốn sản xuất ô tô tải trong nước thì về cơ bản đã phá sản, chẳng hạn như trường hợp công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – doanh nghiệp đầu tiên đầu tư nhà máy sản xuất ô tô theo hướng nâng cao dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô tải.
![]() |
Hiện, sau hàng chục năm ưu đãi khuyến khích, ô tô tải “sản xuất” trong nước mới được nội địa hóa chủ yếu như săm, lốp, khung gầm, cabin…
Không có vua
Tuy nhiên, ngay cả khi đang sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Vinaxuki cũng đạt khoảng 30%. Sau đó, do chỉ chú trọng xe tải hạng nhẹ, hạng trung sử dụng động cơ Trung Quốc, cộng với khủng hoảng kinh tế và đặc biệt là thiếu sự “hỗ trợ” của ngân hàng… Vinaxuki ngày càng đuối sức và thực tế hiện nay đã “chết” về sản xuất.
Trường hợp thậm chí còn “chết” trước khi sản xuất xe tải có thể kể đến Tổng công ty máy động lực Việt Nam (VEAM) với dự án hàng nghìn tỷ đồng nhập dây chuyền lắp ráp xe tải của hãng Samsung rồi bỏ không gần chục năm nay. Đó là dự án xe tải hạng nhẹ chạy xăng của Tổng công ty thủy sản Hạ Long, đã đắp chiếu hơn 10 năm…
Trường hợp “sống” được có thể nhắc tới là Thaco, doanh nghiệp dẫn đầu doanh số tiêu thụ xe tải tại Việt Nam, với việc bán được 30.539 chiếc xe khách, xe tải các loại trong năm 2016.
Vào tháng 2/2016, Thaco đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất xe sơmi rơmoóc chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam. Hãng này cũng vận hành nhà máy sản xuất xe khách cỡ lớn.
Một loạt các nhà sản xuất khác cũng “sống” được nhờ vào chỉ lắp ráp xe tải như Vinamotor, Hoàng Huy, TMT, Howo… với dòng xe tải Trung Quốc. Thậm chí, những công ty kỳ cựu quy mô nhỏ trong nước như Hoa Mai, Chiến Thắng (Hải Phòng) cũng sống khỏe nhờ dòng xe tải hạng trung “vỏ Việt máy Trung Quốc”.
Tất cả sự sôi động, thậm chí có thể nói là năng động ấy, lại trái ngược hoàn toàn với sự nghèo nàn trong đầu tư công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Vinaxuki đã ngừng sản xuất khi chưa nội địa hóa được 30% sản phẩm. Thaco – dẫn đầu doanh thị trường xe tải, xe khách Việt Nam – cũng chưa đạt tỷ lệ nội địa hóa quá 40% sản phẩm phân khúc này.
Trong một báo cáo gần đây trình Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thực hiện chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương nhận định nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đến năm 2020, toàn bộ thị trường xe con sẽ là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%.
Đó là một cách báo cáo đầy “kín đáo”, mục tiêu là xác nhận chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đã tụt hậu, thực hiện chậm.
Riêng với phân khúc phát triển xe tải, thực tế tỷ lệ nội địa hóa đã đạt được đến hiện tại vẫn chủ yếu tập trung vào các bộ phận có hàm lượng công nghệ thấp.
Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Văn Nguyễn