Số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho biết, 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam NK hơn 4,13 triệu tấn ngô, giá trị xấp xỉ 825 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng hơn 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Argentina và Brazil là hai thị trường NK ngô chính, chiếm lần lượt 49,5% và hơn 15% tổng giá trị NK.
“Đói” ngô nguyên liệu
Thực tế cho thấy, hơn nửa thập kỷ qua, kim ngạch NK ngô của Việt Nam liên tục gia tăng. Khối lượng ngô NK năm 2015 vào khoảng 7,55 triệu tấn, tăng 71,2% so với năm 2014. Năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chi ra hơn 1,6 tỷ USD để NK 8,3 triệu tấn ngô về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.
Lý giải cho “nghịch lý” trên, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Việt Nam đang phát triển diện tích trồng ngô khá lớn, khoảng 1 – 1,2 triệu ha, nhưng do địa hình khó khăn, điều kiện canh tác còn lạc hậu, ứng dụng khoa học – công nghệ và tỷ lệ cơ giới hóa thấp, dẫn tới năng suất trung bình còn khá thấp, chỉ ở mức 4,6 tấn/ha”.
Theo dự báo của Tổ chức Croplife Việt Nam, trong khoảng 10 – 20 năm tới, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu NK ngô cũng theo đà đi lên do lượng sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất và chế biến.
Không chỉ tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ ngô nguyên liệu trên toàn cầu cũng liên tục gia tăng. Năm 2016, lượng ngô tiêu thụ toàn thế giới vào khoảng 1.021 triệu tấn. Theo dự báo, đến năm 2020, mức tiêu thụ ngô toàn cầu sẽ khoảng 1.074 triệu tấn, trong đó châu Á và châu Phi sẽ tăng 20%.
Với năng suất hiện tại (năm 2016, thế giới sản xuất được khoảng 1.040 triệu tấn ngô), đến năm 2050, sản xuất ngô thế giới sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với nguồn cung ngô nguyên liệu sẽ có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, với điều kiện hiện tại, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt ngô nội tại, bên cạnh việc thất thoát ngoại tệ, về lâu dài, Việt Nam có thể còn rơi vào tình trạng “lệ thuộc” vào ngô NK.
![]() |
Năng suất thấp, mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô
“Bài toán” khó tìm lời giải
Ông Lê Bá Lịch khẳng định: “Việt Nam cần thúc đẩy phát triển diện tích ngô dưới nhiều hình thức, nhất là loại ngô biến đổi gen. Đây là cách được nhiều quốc gia như Mỹ, Argentina… đã làm. Họ không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu ngô trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”.
Trên thực tế, để tránh nguy cơ “lệ thuộc” NK ngô, cách đây nhiều năm, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, bên cạnh công tác đầu tư nghiên cứu, đưa vào sản xuất các giống ngô mới cho năng suất cao, đề kháng tốt, việc chuyển đổi cây trồng, nhất là chủ trương “giảm lúa trồng ngô” đã được tiến hành tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đơn cử như tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, những địa bàn được xác định là vùng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đã đạt được những kết quả tích cực. Điển hình như tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, giống ngô biến đổi gen đang giúp năng suất trồng ngô tăng gấp đôi, đạt khoảng 10 tấn/ha.
Bộ NN&PTTN định hướng đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 700.000 – 800.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác, trong đó ngô là cây chủ lực. Bộ này cũng đã và đang hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi chi tiết; xác định rõ vùng, vụ chuyển đổi tập trung; cải tạo hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh cơ giới hóa…
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy việc mở rộng diện tích trồng ngô vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn”. Ngay cả khi giống ngô biến đổi gen đã được chính thức đưa vào trồng đại trà, giúp năng suất ngô tăng tới 20% ở các mô hình, nhưng trái với kỳ vọng, sau ba năm triển khai, diện tích ngô biến đổi gen cũng mới chỉ đạt khoảng 100.000ha (khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô toàn quốc).
Nhìn nhận về những khó khăn trong mở rộng diện tích trồng ngô, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Bên cạnh điểm yếu cố hữu về quy mô sản xuất, những khó khăn về điều kiện hạ tầng đang là khó khăn lớn. Hiện nay, hầu hết các cánh đồng ngô chưa có hệ thống giao thông thuận lợi, chỉ riêng việc đi lại đã khó nên máy móc không thể vào được”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), phân tích: “Vấn đề giảm chi phí ở khâu thu hoạch chưa giải quyết được, khâu này mất quá nhiều công. Ngoài ra, hệ thống thu mua chưa đi liền với sản xuất, dẫn tới hiệu quả chưa cao, khiến bà con nông dân chưa tin tưởng và làm theo chính sách”.
Trước những khó khăn còn tồn tại, theo giới chuyên gia, muốn tạo ra đột phá, các cánh đồng ngô cần phải được sắp xếp lại. Việc cải thiện giống là quan trọng nhưng cơ giới hóa và tổ chức cánh đồng lớn mới là khâu quyết định.
Văn Nguyễn