Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) chè Việt Nam trong quý I/2017 có nhiều tín hiệu tích cực, sản lượng chè XK đạt 27.910 tấn, giá trị trên 40,2 triệu USD (tăng 19,2% về lượng và 12,3% về giá trị), với giá bán bình quân 1.472 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 3/2017, sản lượng XK chè đạt hơn 10.400 tấn, thu về 14,5 triệu USD.
Ghi danh cho chè
Trong năm 2016, Việt Nam có tổng diện tích trồng chè trên 131.500ha, đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn (chè nguyên liệu), XK đạt xấp xỉ 131.000 tấn. Ngành chè Việt Nam đặt mục tiêu duy trì diện tích 140.000ha đến năm 2020. Với gần 1.000 nhà máy, cơ sở chế biến, sản xuất, ngành chè Việt Nam đạt công suất trên 1 triệu tấn/năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó, có hơn 354.000 nông dân.
Tuy sản xuất và XK chè hàng đầu thế giới, song trên thực tế, các sản phẩm chè Việt XK vẫn ở dạng tư liệu sản xuất thay vì tư liệu tiêu dùng. Chè Việt XK chủ yếu mới được đóng thô dưới dạng nguyên liệu với khối lượng từ 30 – 60kg, sau đó được các nhà nhập khẩu tổ chức đóng gói lại (với khối lượng dưới 3kg), pha trộn, hoặc chế biến để tiêu thụ ở thị trường nước sở tại hay XK sang nước thứ ba.
Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết: “Giá trị của chè Việt Nam, với tư cách là “tư liệu sản xuất”’ chiếm khoảng 5 – 20% giá trị sản phẩm chè cuối cùng. Sau khi chế biến lại, chè Việt Nam sẽ mang tên của các nhà nhập khẩu nên người tiêu dùng tại các nước hầu như không biết đến chè Việt Nam”.
Đây chính là lý do khiến chè Việt Nam XK hàng đầu nhưng vẫn “vô danh” trên bản đồ chè thế giới. “Xuất thô” vẫn luôn là điểm “liệt” cố hữu của nông sản Việt Nam, gạo là một minh chứng rõ ràng nhất. Với chè, đã đến lúc cần chuyển đổi từ lượng sang chất, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xây dựng thương hiệu và “ghi danh” cho chè Việt Nam khi bước ra thế giới.
Theo tính toán, nếu chuyển đổi từ tư liệu sản xuất sang tư liệu tiêu dùng, các sản phẩm chè Việt Nam được chế biến, tự đóng gói và XK trực tiếp đến tay người dùng tại các nước, giá trị chè có thể tăng từ 150 – 300%. Cụ thể, chè thô XK hiện tại có giá từ 1,4 – 1,8 USD/kg, nhưng nếu làm thương hiệu tốt, chè có thể đạt mức giá từ 5 – 8 USD/kg.
![]() |
Giá trị chè Việt Nam có thể tăng từ 150 – 300%, nếu các sản phẩm chè được chế biến, tự đóng gói và XK trực tiếp đến tay người dùng tại các nước.
Thay đổi hoặc “chết”
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, chè Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội để khẳng định tên tuổi và trở thành “cường quốc” chè toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ngành chè Việt Nam cần có một cuộc “cách mạng” thật sự để thay đổi toàn diện trong quan hệ sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến hoạt động chế biến, XK và các chính sách từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Nói về vấn đề này, ông Tài cho biết: “Muốn thắng trên thị trường quốc tế, chè Việt phải nâng cao chất lượng. Điều cần làm ngay là đổi mới quan hệ sản xuất. Đầu tiên là khâu sản xuất nguyên liệu, khâu quyết định đến chất lượng sản phẩm. Cần đưa các vùng nguyên liệu vào chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp (DN)”.
Hiện tại, ngoài một số ít DN tự trồng, hoặc liên kết với người nông dân, đa phần vùng sản xuất chè tại Việt Nam còn rất manh mún, các hộ sản xuất nhỏ có diện tích khoảng 0,3 – 0,5 ha, với nhiều loại giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch khác nhau, dẫn tới chất lượng và giá bán thiếu ổn định, gây khó cho cả người nông dân và DN.
Hoạt động của nhiều nhà máy, DN chè XK cũng đang tồn tại nhiều vấn đề. Ông Tài phân tích: “Việc nhiều nhà máy chế biến chè XK ra đời đáng ra là tín hiệu tốt, nhưng vì sự cạnh tranh thiếu công bằng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, khiến thị trường XK bị hỗn loạn, chất lượng và giá bán bấp bênh, gây mất lòng tin của đối tác”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Ánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần có những DN đủ mạnh để đưa chè Việt Nam ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thực tế hiện nay, thị phần của chè Việt XK vào thị trường khó tính rất thấp. Nếu muốn tăng sức cạnh tranh, đa dạng thị trường, gia tăng giá trị với những thị trường lớn, chè Việt Nam cần ngon hơn và sạch hơn”.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay của ngành chè, trong đó, vai trò quản lý, điều phối của Nhà nước rất quan trọng bởi bên cạnh việc đảm bảo sợi dây liên kết “cộng sinh” giữa DN và người nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước cần đầu tư mạnh hơn cho nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm khai thác triệt để những tiến bộ khoa học – kỹ thuật.
Ngoài ra, mối liên kết giữa DN và người nông dân chính là “chìa khóa” để hình thành chuỗi gia tăng giá trị. Chỉ khi người nông dân đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, DN đủ mạnh để cạnh tranh công bằng, cùng một cơ chế hành chính không còn rào cản, các sản phẩm chè từ Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiến Nguyễn