Những thay đổi này có thể xem là đã thỏa lòng mong đợi bấy lâu của các tập đoàn tài chính quốc tế muốn nhảy vào thị trường Trung Quốc, song họ vẫn phải chấp nhận một thực tế là khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vị thế thống trị.
Cải cách không còn sức ì
Lâu nay, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn “rỉ tai” nhau rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không thân thiện cho lắm, thậm chí ngày càng “bài ngoại” thông qua những chính sách ưu ái doanh nghiệp nội. Bên cạnh đó còn là sự thiếu minh bạch trong hành lang pháp lý, không thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan khẳng định từ nay trở đi quá trình cải cách và mở cửa của Bắc Kinh sẽ không còn chịu “sức ì” nào nữa và trước năm 2050, Trung Quốc sẽ “trở thành một quốc gia mạnh về kinh doanh thương mại”.
Trung Quốc cam kết sẽ mở cửa thị trường thông thoáng hơn, bảo vệ quyền hợp pháp của các công ty nước ngoài và tạo ra một “môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được”, nhằm hướng tới mục tiêu “tăng cường huy động đầu tư nước ngoài”.
Cách đây vài ngày, Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cũng đã ban hành một số quy định mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại quốc gia này, cho phép mở chi nhánh mới cũng như hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh, cho phép các ngân hàng tham gia quản lý tài sản ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ cầm cố khác mà không cần phải được phê duyệt khắt khe như trước.
Đây là bước tiến lớn nhằm thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực tài chính (bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…) sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc hồi tháng 11/2017.
Trong thời gian tới, các lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm dự kiến cũng __sẽ có chính sách mới để nới lỏng những hạn chế đối với quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Những thay đổi trên có thể xem là đã thỏa lòng mong đợi bấy lâu của các tập đoàn tài chính quốc tế muốn nhảy vào thị trường Trung Quốc, song họ vẫn phải chấp nhận một thực tế là khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vị thế thống trị.
![]() |
Dịch vụ tư vấn và tài trợ các thương vụ M&A mà doanh nghiệp Trung Quốc là bên đi thâu tóm, hay việc quản lý tài sản cho các cá nhân có thu nhập cao… vẫn là những lĩnh vực cạnh tranh cao ở Trung Quốc.
Cởi mở thận trọng
Tính đến cuối năm 2015, các ngân hàng nước ngoài chỉ nắm giữ chưa tới 2% tổng tài sản toàn ngành, tức là thấp hơn cả năm 2007 – thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến một số ngân hàng phương Tây phải cắt giảm đầu tư.
Bên cạnh đó, quy định mới chỉ tạo thêm thuận lợi cho ngân hàng nước ngoài chứ chưa thể giải quyết tận gốc tình trạng phân biệt đối xử giữa “hàng nội” và “hàng ngoại”, đặc biệt là vấn đề “room” sở hữu. Quy định mới không thay đổi mức trần sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước (20% đối với một cổ đông riêng lẻ và 25% cho tất cả các cổ đông nước ngoài), trong khi đây là một trong những hứa hẹn mà Bộ Tài chính Trung Quốc từng úp mở trước đó.
Về phần mình, CBRC cho rằng mặc dù sẵn sàng chắp bút theo hướng cởi mở hơn, đơn giản hoá và phân quyền quản lý, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng.
Cũng phải thừa nhận rằng vài năm gần đây, khối ngân hàng ngoại đã được CBRC “thả” cho dễ thở hơn ít nhiều. Các hạn chế về việc nhận tiền gửi cá nhân bằng đồng Nhân dân tệ hay yêu cầu về vốn lưu động đối với chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tỏ ra linh hoạt hơn trước.
Thay vì đối đầu trực tiếp với các ngân hàng trong nước để tranh giành khách hàng, ngân hàng nước ngoài cũng “biết thân biết phận” hơn, chủ yếu sử dụng các hoạt động tại Trung Quốc để làm nền tảng phục vụ các khách hàng đa quốc gia.
Tất nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn không khí cạnh tranh quyết liệt, chẳng hạn như dịch vụ tư vấn và tài trợ các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) mà doanh nghiệp Trung Quốc là bên đi thâu tóm, hay việc quản lý tài sản cho các cá nhân có thu nhập cao…
Hải Châu