Theo đánh giá của một bộ phận quan chức chính phủ Ấn Độ, tiến triển quan hệ thương mại giữa hai quốc gia tỷ dân đang diễn ra rất chậm, thậm chí có thể còn ì ạch hơn sau thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cách đây hai tuần.
Thời gian qua, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tìm cách hàn gắn lại niềm tin và mối quan hệ với nhau sau khi để xảy ra xung đột căng thẳng dọc theo biên giới dãy Himalaya trong năm 2017.
Mỹ - Trung làm chậm Trung - Ấn
Bước sang năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một số cuộc gặp song phương để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại. Lần gần đây nhất là khi hai nhà lãnh đạo có cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.
Ngay sau đó, các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục trao đổi về việc Bắc Kinh tăng lượng nhập khẩu thuốc, sữa đậu nành, hạt cải dầu, gạo và đường từ Ấn Độ, trong khi Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập các sản phẩm sữa, táo và lê của Trung Quốc.
Chủ trương chung là vậy, song để hiện thực hóa thành những thỏa thuận cụ thể “giấy trắng mực đen” thì vẫn còn cả một quá trình.
“Khi chúng tôi nói Trung Quốc có xu hướng mở cửa hợp tác, điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng lại diễn ra một cách chậm chạp... Dù sao đây vẫn có thể được xem là tiến bộ, bởi chỉ vài tháng trước thôi, hai bên thậm chí còn chẳng có cuộc tiếp xúc nào”, một quan chức cao cấp của Ấn Độ cho biết.
Tính đến tháng 3/2018, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ chạm ngưỡng 89,71 tỷ USD sau 12 tháng, trong đó cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc với chênh lệch lên tới 63,05 tỷ USD, tăng hơn 9 lần trong thập kỷ qua.
Chính phủ Ấn Độ rất muốn thu hẹp khoảng cách đó. Một nghiên cứu gần đây của Bộ Thương mại Ấn Độ cho rằng “Không có mối quan hệ thương mại song phương nào có ý nghĩa kinh tế và chính trị đối với Ấn Độ hơn mối quan hệ Trung - Ấn”.
Tuy nhiên, việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, khiến Mỹ tạm dừng kế hoạch tăng thuế đối với Trung Quốc trong khoảng thời gian 90 ngày đã giúp chính phủ Trung Quốc giải tỏa bớt áp lực và có thể không vội vàng đẩy nhanh quá trình đàm phán với New Delhi nữa, theo đánh giá của một số quan chức Ấn Độ.
![]() |
Trung Quốc và Ấn Độ bất ngờ bắt tay trong vấn đề kinh tế |
Rào cản chất lượng sản phẩm
Ông Ajay Sahai - Tổng Giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, cũng cho rằng thỏa thuận đình chiến của Trung Quốc với Mỹ có thể là một rào cản đối với ý định nâng tầm quan hệ thương mại Trung - Ấn.
Một trở ngại khác mang tính dài hạn hơn, là chất lượng các sản phẩm được buôn bán qua lại giữa hai nước và cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết những tồn tại hiện nay.
Cách đây hơn một tuần, Ấn Độ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho phép Bắc Kinh kiểm tra chất lượng nhập khẩu bột cá và dầu cá Ấn Độ. Sau đó, ngày 10/12, một phái đoàn thương mại Trung Quốc đã đến Ấn Độ để kiểm tra các nhà máy sữa đậu nành.
Ấn Độ cũng đề nghị Trung Quốc xem xét gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đậu nành từ quốc gia Nam Á. Trước kia, Trung Quốc là khách hàng mua nhiều đậu nành Ấn Độ nhất, một thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi, cho đến khi Bắc Kinh ra lệnh cấm hồi cuối năm 2011, vì những lo ngại về chất lượng.
Tháng 11 vừa rồi, Bộ Thương mại Ấn Độ tuyên bố nước này có thể xuất khẩu tới 2 triệu tấn đường. Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng mục tiêu này có phần không khả thi, vì Trung Quốc đã hết hạn ngạch nhập khẩu cho năm nay.
Mặc dù Ấn Độ đã ký một số hợp đồng nhỏ để xuất gạo sang Trung Quốc, nhưng New Delhi sẽ gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng xuất khẩu, vì Bắc Kinh từ lâu đã là khách hàng “trung thành” của Việt Nam và Thái Lan và người dân Trung Quốc sẽ cần thời gian để làm quen với hương vị gạo Ấn Độ.
Hải Châu