Những người ủng hộ radio kỹ thuật số, gọi tắt là DAB, dẫn ra một số ưu điểm vượt trội của hệ thống phát thanh này, như: cho phép nhiều kênh hoạt động trên cùng một băng thông, âm thanh rõ nét hơn và chi phí vận hành thấp hơn đáng kể so với phương thức FM truyền thống. Hạt Nordland ở phía bắc Na Uy là địa phương đầu tiên triển khai chương trình “khai tử FM” này.
Chín người mười ý
Na Uy hy vọng sẽ tiết kiệm được 200 triệu krone (khoảng hơn 528 tỷ đồng) mỗi năm, nếu không phải mất công duy tu bảo dưỡng hệ thống thiết bị FM đã “lão hóa”, nhưng vẫn đang căng mình ra phát tín hiệu trên toàn lãnh thổ Na Uy vốn có diện tích lớn và dân cư thưa thớt.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự lạc hậu của hạ tầng, cộng với địa hình đồi núi, gây ra không ít cản trở đối với quá trình truyền dẫn sóng analogue. Vì vậy, việc chuyển sang DAB là nhu cầu cần thiết, nhất là khi điện năng tiêu thụ thì giảm đi còn chất lượng âm thanh lại được cải thiện.
Chính phủ Na Uy ước tính khoảng 70% số hộ gia đình của nước này đã có đầu thu kỹ thuật số và trên toàn lãnh thổ có 26 trạm DAB, song chỉ có 5 trạm FM.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối chủ trương trên lấy ví dụ về hơn 2 triệu ôtô đang lưu thông trên đường để bảo vệ cho luận điểm của mình. Họ lo ngại với khoảng 40% dân số ngồi trên những chiếc xe hơi chưa lắp thiết bị thu sóng DAB, trong khi họ có thói quen nghe cập nhật thông tin thời tiết qua radio sẽ rất nguy hiểm trong những tháng mùa đông. Ông Ib Thomsen - một nghị sĩ của Đảng Tiến bộ thuộc liên minh cầm quyền, cho rằng Na Uy “chưa sẵn sàng” cho quá trình chuyển đổi và không chỉ 2 triệu xe, mà còn hàng triệu radio trong các gia đình sẽ trở thành vô dụng, nếu FM bị khai tử. Vì vậy, “cần phải cân nhắc kỹ vấn đề an toàn cho người dân”.
![]() |
Nghe đài FM sẽ chỉ là dĩ vãng ở Na Uy
Xu hướng mới toàn cầu
Theo một cuộc thăm dò ý kiến được tờ nhật báo Dagbladet công bố vào tháng 12/2016, 66% người dân Na Uy phản đối việc ngừng FM, trong khi những người ủng hộ chỉ chiếm 17% và số còn lại vẫn chưa ngả về bên nào.
Khi chính phủ Na Uy lần đầu công bố việc chấm dứt sóng FM vào năm 2015, lý do được đưa ra là địa hình trùng điệp nhiều núi dốc, thung lũng sâu và hàng nghìn vịnh nhỏ khiến việc chạy mạng FM vừa tốn kém gấp 8 lần so với mạng kỹ thuật số, vừa không đạt được chất lượng tối ưu.
Tuy vấp phải nhiều ý kiến phản đối, nhưng Quốc hội nước này vẫn quyết định thông qua kế hoạch chuyển đổi, vừa để khắc phục những hạn chế của FM truyền thống, vừa tăng được kênh phát thanh trên băng thông.
Theo ông Ole Jrgen Torvmark - Giám đốc Digitalradio Norge, công ty chịu trách nhiệm chuyển đổi mạng radio và cũng là đơn vị thuộc sở hữu của đài truyền hình NRK và đài phát thanh P4, người dân không đến mức bất bình như kết quả các cuộc thăm dò trước đó, “có người thấy khó chịu khi phải mua chiếc radio mới hoặc mua thiết bị chuyển đổi, nhưng cũng có những người lại rất vui vẻ”.
Ông Torvmark thừa nhận việc 2 triệu chủ sở hữu xe hơi không thể nghe đài FM được nữa chính là “thách thức lớn nhất” trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, với một bộ chuyển đổi kỹ thuật số có giá chỉ 1.500 krone Na Uy (khoảng hơn 3,9 triệu đồng) vấn đề này không phải là không thể giải quyết.
Sau Na Uy, một số quốc gia khác cũng đang có ý định ngừng phát sóng FM. Thụy Sĩ dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Anh thì chờ đến khi nào tỷ lệ người nghe radio kỹ thuật số đạt 50%. Đan Mạch cũng đã có chủ trương tương tự Na Uy. Tất cả đều đang ngóng sang Na Uy để học hỏi kinh nghiệm trước khi bắt tay vào thực hiện.
Hải Châu