Kế hoạch mua trái phiếu và lãi suất cơ bản, hai điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm lại không có thay đổi gì.
BOJ cho biết, cơ quan này sẽ đẩy mạnh mua vào cổ phiếu quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lên thành 6.000 tỷ yên (tương đương 56,7 tỷ USD) mỗi năm, so với mức 3.300 tỷ yên trước đó, đồng thời tăng gấp đôi quy mô chương trình cho vay bằng đồng USD hỗ trợ hoạt động kinh doanh ngoài nước của doanh nghiệp Nhật Bản lên 24 tỷ USD.
Quyết định an toàn
Song thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia là việc BOJ không thay đổi kế hoạch mua trái phiếu và giữ nguyên lãi suất cơ bản.
BOJ hiện nắm giữ hơn 1/3 số trái phiếu chính phủ đang lưu hành và theo ý kiến của giới phân tích, ngân hàng này không mạo hiểm mua nhiều thêm nữa, bởi rủi ro có thể gây bất ổn thị trường.
Về vấn đề lãi suất, dù chịu áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng BOJ cũng không dễ gì giảm lãi suất ngay. Tháng 2 năm nay, BOJ đã lần đầu tiên áp dụng lãi suất âm đối với tiền gửi của ngân hàng thương mại tại BOJ và các ngân hàng thương mại cho rằng việc dìm lãi suất xuống sâu nữa sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả hoạt động của họ, cũng như làm lung lay niềm tin của dân chúng.
![]() |
Nhật Bản sẽ tung gói kích thích 28.000 tỷ yên
BOJ vì thế đã đưa ra quyết định mang tính an toàn, song an toàn quá thì giới đầu tư chưa thấy “sướng”. Họ kỳ vọng BOJ sẽ mạnh tay hơn, để sớm kiểm soát được lạm phát và đối phó với biến động đồng nội tệ.
Động thái của BOJ diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương của một số nước khác cũng đang phải đi tìm lời giải cho bài toán của riêng mình. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cứ “dập dòm” tăng lãi suất suốt mấy tháng nay, nhưng thời cơ vẫn chưa chín muồi, bởi điều kiện kinh tế trong và ngoài nước còn thiếu ổn định, đặc biệt là sau cuộc bỏ phiếu Brexit của người Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng do dự về chính sách vì vụ Brexit và theo lời Chủ tịch Mario Draghi, phải đến tháng 9/2016, ngân hàng này mới đánh giá lại tình hình để ra quyết định.
Bản lĩnh hay “hết võ”?
Áp lực đè lên vai BOJ về việc tăng liều kích thích kinh tế đã liên tục dồn nén nhiều tháng qua, đi kèm với tin đồn dồn dập về khả năng phải sử dụng “tiền trực thăng” (helicopter money) - phương pháp tiếp cận mới của chính sách tiền tệ, trong đó tiền được in để tài trợ cho các khoản chi tiêu công hoặc trực tiếp đưa cho người dân thay vì cách bơm tiền gián tiếp theo truyền thống.
Chưa hết, 2 ngày trước khi BOJ công bố kế hoạch của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn thông tin về việc Chính phủ sẽ tung gói kích thích 28.000 tỷ yên, trong đó bao gồm nhiều khoản tín dụng lãi suất thấp trị giá 13.000 tỷ yên, nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Tuyên bố bất ngờ của ông Abe được đánh giá là sẽ tạo áp lực khiến BOJ phải nới lỏng tiền tệ thêm nữa. Tuy nhiên, Thống đốc Haruhiko Kuroda đã cho tất cả thấy rằng ông không bị trôi theo sức ép và việc đưa ra quyết định không đủ táo bạo như dự đoán không phải vì ông “hết võ”, mà bởi cần nghiên cứu thêm những bước đi tiếp theo để chạm tới mục tiêu lạm phát.
“Đạt được mục tiêu ổn định lạm phát 2% trong thời gian sớm nhất chính là cam kết của ngân hàng trung ương từ khi ra thông cáo chung với chính phủ hồi tháng 1/2013 và chúng tôi không có ý định thay đổi mục tiêu này”, ông Kuroda nói trong một cuộc họp báo.
Cho dù quyết định của BOJ không đúng như lời đồn, nhưng ông Kuroda tin rằng việc tăng mua cổ phiếu ETF và duy trì chính sách tiền tệ thông thoáng như hiện tại vẫn ăn khớp và phối hợp nhịp nhàng với những nỗ lực của ông Abe để đạt được mục tiêu chung vĩ mô.
Từng phụ trách mảng chính sách tiền tệ của Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Kuroda lập tức ghi dấu ấn sau khi nhậm chức Thống đốc BOJ vào tháng 3/2013, bằng tuyên bố triển khai gói kích thích giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Gần đây nhất, chính sách lãi suất âm được áp dụng làm tất cả ngỡ ngàng, bởi chỉ vài ngày trước đó, vị Thống đốc 71 tuổi còn phủ nhận hoàn toàn khả năng.
Hải Châu