Bà Katrin Lompscher - một Thượng nghị sĩ của Berlin phụ trách các vấn đề nhà ở và phát triển đô thị, cho biết chính phủ do đảng Dân chủ xã hội lãnh đạo đã chấp thuận chủ trương rằng giá thuê nhà nên được giữ cố định trong vòng 5 năm.
Không chỉ có vậy, những người thuê nhà chứng minh được rằng họ đang phải trả tiền thuê nhà cao một cách vô lý sẽ có quyền yêu cầu chủ nhà giảm giá thuê.
Các địa phương khác có thể noi theo
“Đây có thể là ví dụ cho các tiểu bang khác noi theo. Tự họ có thể đánh giá xem các biện pháp như thế này có hiệu quả hay không”, bà Lompscher nói.
Trong số các thành viên Liên minh châu Âu, Đức là nước có tỷ lệ người dân sở hữu nhà thấp nhất và người thuê nhà chiếm phần lớn ở Berlin. Từng là thành phố có chi phí sinh hoạt cực kỳ thấp, Berlin bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nhà đất tăng cao do hoạt động xây dựng không theo kịp tốc độ tăng dân số.
Tình trạng này thậm chí còn dẫn tới một số các cuộc biểu tình rầm rộ và một cuộc trưng cầu dân ý buộc Berlin phải “sung công” nhiều khu nhà ở của một số đại gia bất động sản.
Đối với ý tưởng “đóng băng” tiền thuê nhà, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tỏ ý ủng hộ trong một cuộc phỏng vấn với Frankfurter Allgemeine Zeitung: “Chúng tôi không muốn có kết cục như London”.
Chủ trương mới mang lại tin vui cho những người phải đi thuê nhà, song nó chưa giải quyết căn cơ vấn đề của Berlin hiện nay, đó là thiếu phương án tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ.
Các chuyên gia và đại gia bất động sản ở đây hiến kế rằng chính phủ nên nới lỏng các quy định về xây dựng để các đơn vị phát triển bất động sản có động lực mở rộng hoạt động kinh doanh, từ đó có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân và hạ nhiệt khủng hoảng.
Khi được hỏi về kế hoạch thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, bà Lompscher cho biết vấn đề này chưa được bàn đến. Bà Lompscher chỉ thông tin về việc dự thảo luật khống chế giá trần thuê nhà dự kiến sẽ ban hành vào tháng 10/2019 và có hiệu lực vào năm tới.
Trên sàn giao dịch Frankfurt, cổ phiếu các đại gia bất động sản Đức như Deutsche Wohnen SE, LEG Immobilien AG hay Vonovia SE lập tức mất điểm sau khi thông tin trên được công bố.
![]() |
Đức là nước có tỷ lệ người dân sở hữu nhà thấp nhất |
Thách thức của không chỉ Berlin
Ông Andreas Mattner - Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Đức (ZIA) nhận định động thái này có thể khiến giới đầu tư đắn đo khi đầu tư vào thủ đô của Đức và hạn chế các nguồn lực cần thiết để xây dựng nhà ở mới.
Câu chuyện chi phí nhà đất không chỉ là vấn đề của riêng Berlin, khi mà Frankfurt, Cologne hay Stuttgart cũng xảy ra nhiều cuộc biểu tình trong những tháng gần đây. Người dân ở một số quốc gia khác cũng không giấu nổi tâm trạng bức xúc.
Tại Barcelona - nơi mà chi phí nhà ở đã tăng hơn 50% trong 5 năm qua, chủ nhà ở những khu đất “vàng” sẽ sớm phải đàm phán giá thuê dựa trên khung giá quy định cho từng loại bất động sản. Quy định này nhằm hướng dẫn một đạo luật hồi tháng 3, trong đó giới hạn mức tăng tiền thuê hàng năm theo tỷ lệ lạm phát.
Tại Amsterdam - chính quyền thành phố muốn yêu cầu người mua nhà phải cư trú ít nhất 3 năm để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, mua chỉ để kinh doanh. Đồng thời, Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan đang xây dựng chính sách cho phép các thành phố khan hiếm nhà ở được áp giá trần đối với các hợp đồng thuê mới.
Tác động từ sự can thiệp của chính quyền đã có thể cảm nhận được phần nào. Giá thuê nhà tại Berlin hiện đang tăng trung bình 2,5%, giảm đáng kể so với mức tăng 4,6% trong năm 2017.
Theo thống kê của Scout24 AG - công ty vận hành trang web bất động sản trực tuyến lớn nhất của Đức, sau 12 năm tăng không biết mệt, nhất là ở Berlin, giá thuê mà các chủ nhà rao quảng cáo đã chững lại kể từ tháng 1/2019.
“Điều này có thể báo trước một giai đoạn giá thuê nhà tăng ít hơn”, Giám đốc thương mại Ralf Weitz của Scout24 nhận định.
Hải Châu