Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã có thông báo nội bộ, yêu cầu đội ngũ cán bộ cấp cao của mình chủ động né tránh những vấn đề phức tạp không cần thiết sẽ phát sinh trong tương lai liên quan đến Brexit, nhất là giai đoạn nhạy cảm trước năm 2019.
Hai năm đầy tế nhị
Họ còn được khuyến khích làm công tác tư tưởng cho khu vực tư nhân ở Anh, trước những “hậu quả pháp lý” mà Brexit gây ra, đồng thời mời gọi doanh nghiệp đang có trụ sở tại Anh cân nhắc chuyển văn phòng sang EU, để duy trì giấy phép hoạt động.
Các cơ quan hữu quan cũng được yêu cầu chuẩn bị các thủ tục cần thiết, để vào ngày Brexit chính thức có hiệu lực, nước Anh sẽ không thể truy cập các cơ sở dữ liệu nhạy cảm của EU.
Chỉ đạo của EC cũng đề cập đến những hệ quả về tài chính và tầm ảnh hưởng suy giảm của nước Anh, cho dù vẫn duy trì quyền và nghĩa vụ của một thành viên chính thức trong giai đoạn quá độ hiện nay.
Hai năm tới đây, miễn là bảo đảm tuân thủ pháp luật, EC đã có thể coi Anh như một “nước thứ ba” trong rất nhiều hoạt động, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân sự, hay chỉ định thầu các gói thầu nghiên cứu trị giá hàng tỷ euro. Điều đó đồng nghĩa nước Anh chắc chắn sẽ “thiệt đơn thiệt kép”.
Thông báo nội bộ của EC có đoạn: “Ngoài việc đã có quy định rằng nhà thầu phải được thành lập ở EU, thì cũng vẫn còn yếu tố chính trị hoặc lý do thực tế khác mang lại lợi thế cho nhà thầu được thành lập tại một quốc gia thành viên EU, không chỉ khi ký kết hợp đồng, mà còn trong quá trình thực hiện hợp đồng”.
Về mặt tài chính, EU khẳng định sẽ không vì Brexit mà dừng các khoản đầu tư công của mình thông qua các quỹ tài trợ khu vực. Lý do là những khoản này đã và đang được thực hiện thông qua cơ quan chức năng của Anh là chủ yếu thay vì một đơn vị nào đó của EU. Chính vì thế, rất may cho Bắc Ai-len là quốc gia này sẽ tiếp tục nhận được tiền mà EU đã hứa phân bổ.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khác, tiền từ EU sẽ khó chảy vào Anh hoặc vào túi doanh nghiệp Anh. Ví dụ, hợp đồng trong giai đoạn triển khai gần nhất của dự án hệ thống vệ tinh Galileo trị giá 10 tỷ Euro có thể bị chủ đầu tư hủy ngang bất kỳ lúc nào mà không phải mất một xu tiền phạt cho nhà thầu, nếu nhà thầu đó không có trụ sở tại một nước thành viên thuộc EU.
![]() |
Những “hậu quả pháp lý” mà Brexit gây ra không hề nhỏ
Thay đổi để thích nghi
Thông báo của EC có chữ ký của Tổng thư ký Alexander Italianer; Chánh văn phòng Chủ tịch Martin Selmayr và đại diện đàm phán Brexit của EU - Michel Barnier. Đây là một trong những thông tin cụ thể đầu tiên về sự thay đổi trong cách thức vận hành công việc của EU, để thích nghi dần với cấu trúc EU mới không có nước Anh.
Ngoài việc đưa ra những hướng dẫn không chính thức liên quan đến cách đối đãi nhà thầu Anh trong các gói thầu của EU, hay bổ nhiệm cán bộ, thông báo của EU cũng nhắc nhở các cơ quan hữu quan xem xét giải pháp liên quan tới quyền và lợi ích của một quốc gia không phải thành viên EU. Ví dụ như cắt đứt đường truy cập của Anh vào các cơ sở dữ liệu nhạy cảm của EU về tội phạm hình sự và người tị nạn.
Cuối cùng, thông báo trên còn khuyến khích quan chức EU làm công tác “tư tưởng” cho khu vực tư nhân ở Anh trước những “hậu quả pháp lý” mà Brexit gây ra. Ví dụ, doanh nghiệp nên lưu tâm tuân thủ quy định của EU về việc phải được thành lập hay có văn phòng hoạt động ở EU thì mới được đăng ký lưu hành và quảng cáo thuốc.
Công ty nào có hoạt động chuyển dữ liệu qua lại biên giới cũng được nhắc nhở, bảo đảm không trái pháp luật trong trường hợp EU và Anh không đạt được thỏa thuận hợp tác cụ thể nào trong lĩnh vực này.
Hải Châu