Theo khẳng định từ phía Harley - Davidson, công ty bất đắc dĩ phải làm như vậy để giúp khách hàng châu Âu dễ dàng tiếp cận với sản phẩm của mình, cũng như duy trì công việc kinh doanh của hãng tại châu Âu.
Tìm kiếm hy vọng ở trời Âu
Năm 2017, Harley đã bán được gần 40.000 xe máy ở châu Âu, giúp doanh thu từ khu vực này đứng thứ hai chỉ sau thị trường nội địa và chiếm hơn 16% doanh thu của toàn công ty.
Công ty có tuổi đời 115 năm ở Milwaukee, Wisconsin cho biết mức thuế trả đũa sẽ khiến chi phí sản xuất gia tăng trung bình khoảng 2.200 USD/xe máy khi xuất khẩu từ Mỹ sang EU, tức là 30 - 45 triệu USD cho các tháng còn lại của năm 2018 và 80 - 100 triệu USD cho cả năm. Hiện ở thị trường Pháp, sản phẩm xe đạp của Harley được bán với giá 7.490 euro (tương đương 8.766 USD).
Harley đặt mục tiêu tăng doanh số bán xe máy ở nước ngoài từ mức 43% lên 50%. Vì vậy, công ty đã lên kế hoạch sẽ xây dựng 3 nhà máy lắp ráp tại Brazil, Ấn Độ, Thái Lan và kế hoạch tăng cường sản xuất ở nước ngoài này có thể mất ít nhất 9 - 18 tháng.
Quyết định xây dựng nhà máy tại Thái Lan được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước đó, trong tháng đầu năm, Harley buộc phải đóng cửa một nhà máy ở thành phố Kansas, Missouri, sau khi doanh số sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Có lẽ chưa lúc nào nước Mỹ lại bị vướng vào nhiều cuộc đối đầu thương mại cùng lúc như dưới thời Tổng thống Trump, khi mà Trung Quốc, Canada, Mexico và cả EU đều bị Mỹ đánh thuế bổ sung và đều phản ứng lại với các biện pháp trả đũa của riêng mình.
Tổng thống Trump luôn khẳng định chính sách thương mại của ông nhằm mục tiêu khôi phục lại hoạt động sản xuất nội địa. Song, động thái vừa qua của Harley cho thấy cách tiếp cận của Nhà Trắng ở hiện tại có thể phản tác dụng trong bối cảnh ngày một nhiều doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào thị trường nước ngoài để mua nguyên liệu, sản xuất và bán hàng.
![]() |
Harley - Davidson làm mất lòng Tổng thống Mỹ |
Lo cho mình, lo cho đối tác
Trong tuyên bố của mình, Harley khẳng định việc ăn miếng trả miếng về thương mại giữa Mỹ và EU sẽ khiến chi phí tăng cao. Và, nếu chi phí này bị đẩy sang cho khách hàng gánh chịu, chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến hoạt động kinh doanh trong khu vực, không chỉ làm Harley mất khách mà cả đối tác của doanh nghiệp này cũng bị vạ lây.
Vào thời điểm nhậm chức năm ngoái, ông Trump tuyên bố chắc chắn sẽ làm cho nhà sản xuất xe máy mang tính biểu tượng nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim. Vị Tổng thống Mỹ liên tục nhắc đến Harley như một ví dụ điển hình về thành công của sản xuất nội địa Mỹ. Không lâu sau khi nhận nhiệm sở, Tổng thống Trump còn mời lãnh đạo của Harley đến Nhà Trắng đàm luận.
Thế nhưng kể từ đó đến nay, Harley chỉ thấy chi phí không ngừng tăng lên do tác động từ các chính sách của chính quyền đương nhiệm. Gần đây nhất là cuối tháng 4 vừa rồi, Harley tính toán rằng chính sách thuế nhập khẩu kim loại của Mỹ sẽ làm chi phí đầu vào tăng lên khoảng 15 - 20 triệu USD so với dự kiến đầu năm, trong khi bản thân giá nguyên liệu đã và đang đắt đỏ hơn trước.
Trước động thái của Harley - Davidson, Tổng thống Mỹ Donald Trump đương nhiên không hài lòng chút nào và ngay lập tức thể hiện cảm xúc trên Twitter, đại ý là ông đã "chiến đấu" cho quyền lợi của công ty thế mà Harley lại đem chuyện thuế má ra làm cái cớ và "giương cờ trắng", gây thiệt hại cho nước Mỹ cả trăm triệu USD mỗi năm.
Hải Châu