Các công ty năng lượng đang tranh giành cơ hội đầu tư vào Iran, còn Iran cũng phải chạy đua với thời gian để sớm chốt hợp đồng với nhà đầu tư trước khi nước Mỹ diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực.
Chỉ vì “đậm chất Mỹ”
Thời gian gần đây, Iran liên tiếp đạt được thỏa thuận với các công ty năng lượng nước ngoài, trong đo có cả Total và Shell và dự kiến đầu năm 2017 này sẽ tiếp tục ký thêm nhiều hợp đồng nữa để đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài sau một thời gian dài bị phương Tây áp đặt trừng phạt.
Tuy nhiên, BP, vốn có gốc gác là công ty Anglo - Persian Oil Company từng phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên ở Iran vào năm 1908, lại một có cách tiếp cận tương đối thận trọng hơn khi mà Nhà Trắng có ông chủ mới là người không có ý định mềm mỏng trong chính sách ngoại giao với Tehran.
Cụ thể, BP sẽ không tham gia gói thầu sắp tới về thăm dò và khai thác dầu khí ở Iran và trước mắt cũng chưa có dự định ký thỏa thuận nào với chính phủ nước này tương tự như Shell và Total từng làm
Nguyên nhân ban đầu được đưa ra thuần túy mang tính thương mại, tức là tỷ suất sinh lời chưa đủ cao và BP còn rất nhiều cơ hội hấp dẫn ở các nơi khác, song cũng không thể lảng tránh sự thật rằng một số biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn còn duy trì đối với Iran, kết hợp với lập trường cứng rắn của chính quyền Trump, là rào cản lớn của BP.
Mặc dù đặt trụ sở tại Anh nhưng BP lại mang “chất Mỹ” đậm nét nhất trong số các tập đoàn dầu khí châu Âu hiện nay; bằng chứng là khoảng 40% cổ đông và 30% nhân viên BP là người Mỹ, trong đó có Giám đốc điều hành Bob Dudley.
Theo lệnh trừng phạt song phương của Washington đối với Tehran, công dân Mỹ bị cấm hoạt động thương mại tại Iran. Điều đó có nghĩa BP sẽ phải thiết lập một cơ cấu quản trị riêng biệt, không có sự xuất hiện của CEO Dudley lẫn các lãnh đạo người Mỹ khác, để giám sát hoạt động đầu tư vào Iran. Các tập đoàn năng lượng của Mỹ như Exxon Mobil hay Chevron cho đến nay vẫn chỉ đứng quan sát ngoài cuộc, cho dù Iran đã mở cửa.
![]() |
Iran là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới
Chạy đua với thời gian
Thực tế là BP đã có một số bước thăm dò để xây dựng lại mối quan hệ với Iran - bao gồm cả việc mở lại văn phòng ở Tehran và mua lại một lô hàng dầu mỏ của Iran vào tháng 10/2016, nhưng như thế vẫn là chậm chân hơn nhiều so với các đối thủ khác.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Iran là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, còn trữ lượng dầu mỏ thì đứng thứ tư. Tài nguyên thiên nhiên ban tặng dồi dào là vậy, nhưng quốc gia Hồi giáo này đang khát vốn và chuyên gia quốc tế để nâng cấp cơ sở hạ tầng đã già nua xập xệ.
Iran đặt mục tiêu thu hút được 200 tỷ USD đầu tư vào dầu khí trong 5 năm tới, sau khi thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc trên thế giới về việc kiềm chế chương trình hạt nhân đã giúp gỡ bỏ phần lớn lệnh trừng phạt quốc tế.
Total (Pháp) đã trở thành tập đoàn dầu mỏ đầu tiên của phương Tây cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Iran thông qua việc ký kết thỏa thuận tháng 12/2016 để phát triển giai đoạn tiếp theo của mỏ khí đốt khổng lồ South Pars; tham gia dự án này còn có Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Trong khi đó, Royal Dutch Shell mới đây cũng đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nghiên cứu các mỏ dầu Azadegan và Yadavaran ở phía tây nam Iran cũng như các mỏ khí đốt Kish ở vùng Vịnh. Ở nhiều mức độ khác nhau, một số công ty như Gazprom, Rosneft và Lukoil (Nga), ONGC (Ấn Độ) hay DNO (Na Uy) đều đã và đang tích cực làm việc với Tehran. Iran cho biết hàng chục nhà đầu tư đã nộp hồ sơ tham gia 50 gói thầu thăm dò và khai thác, dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu vào đầu năm 2017.
Các công ty năng lượng đang tranh giành cơ hội đầu tư vào Iran, còn Iran cũng phải chạy đua với thời gian để sớm chốt hợp đồng với nhà đầu tư trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở trong tháng này. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Donald Trump có thực hiện đúng như tuyên bố tranh cử là sẽ lật lại thỏa thuận hạt nhân hay không, nhưng ít nhất thì khó trông mong quan hệ Mỹ - Iran sẽ tốt hơn lên.
Cựu Giám đốc điều hành ExxonMobil, ông Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử làm Ngoại trưởng tương lai, sẽ có một vai trò quan trọng các chính sách của Mỹ đối với Iran nếu việc bổ nhiệm được Thượng viện Mỹ thông qua.
Hải Châu