Lĩnh vực khai thác cát và sỏi - chủ yếu được sử dụng trong ngành xây dựng, có thể thúc đẩy nền kinh tế của Greenland, nơi mà 56.000 cư dân phải trông chờ rất nhiều vào các khoản hỗ trợ từ Đan Mạch.
Vận hội không ngờ tới
Theo nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học ở Đan Mạch và Mỹ được đăng tải trên tạp chí Nature Sustainability, bằng cách khai thác cát, Greenland có thể hưởng lợi từ những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại.
Nghiên cứu có tiêu đề “Hứa hẹn và hiểm họa khai thác cát ở Greenland” cho rằng quốc đảo Bắc Cực này sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng rủi ro của hoạt động khai thác ven biển, đặc biệt là đối với nghề cá.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang làm tan chảy các lớp băng dầy ở Greenland, nơi mà lượng băng, nếu tan chảy toàn bộ, có thể làm tăng mực nước biển toàn cầu thêm khoảng 7 mét nữa, đem theo một lượng cát và sỏi khổng lồ dạt vào các vịnh hẹp ven biển.
Bà Mette Bendixen - một thành viên nhóm tác giả và cũng là chuyên gia Viện nghiên cứu về núi và Bắc cực của Đại học Colorado, mô tả hiện tượng băng tan như một vòi nước chảy ra cả cặn vào các bờ biển.
Tổng nhu cầu cát trên toàn thế giới đạt khoảng 9,55 tỷ tấn trong năm 2017 với giá trị thị trường là 99,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt gần 481 tỷ USD vào năm 2100, do nhu cầu tăng cao còn nguồn cung thì thiếu hụt, nghiên cứu trên nhận định. Điều đó cũng có nghĩa đây là cơ hội hiếm cho hòn đảo Greenland để tạo ra nguồn thu ngân sách.
“Thông thường, người dân sinh sống quanh khu vực Bắc Cực là những người thực sự cảm nhận được diễn biến của biến đổi khí hậu - bờ biển bị xói mòn, băng thưa dần”, theo bà Bendixen. “Vận hội” của Greenland là một tình huống ít ai ngờ tới.
Theo các chuyên gia thì trên thực tế, đã có một số hoạt động khai thác cát tại chỗ để phục vụ ngành xây dựng trong nước ở Greenland. Trở ngại đối với Greenland, cũng giống như nhiều dự án khai thác khoáng sản khác trên quốc đảo này (uranium, đất hiếm…) là khoảng cách xa xôi đến các thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, theo bà Bendixen, đây lại không hẳn là khó khăn chính, vì nhiều đơn vị xuất khẩu vẫn vận chuyển cát từ Vancouver đến Los Angeles hay từ Australia đến Dubai. “Hiện tại, đây là một nguồn tài nguyên giá rẻ nhưng trong tương lai sẽ trở nên đắt đỏ hơn”, chuyên gia này nhận định.
![]() |
Băng đang tan ở Greenland |
Cát sỏi quay lại gia cố bờ biển
Nghiên cứu trên cũng bổ sung thêm rằng cát và sỏi cũng có thể được sử dụng trong tương lai để gia cố các bãi biển và bờ biển chịu rủi ro nước biển dâng cao, một phần do tan băng của chính Greenland.
Greenland là thuộc địa của Đan Mạch từ năm 1814 và đến tháng 6/2009 thì trở thành bán tự trị, nhưng chính phủ Đan Mạch vẫn phụ trách các vấn đề ngoại giao, quốc phòng và an ninh của hòn đảo này.
Hàng năm, người dân Greenland vẫn nhận được khoản trợ cấp 3,6 tỷ kroner (hơn 627 triệu USD), chưa kể các chi phí quốc phòng, an ninh trật tự, cứu hộ trên biển, khảo sát địa chất...
Theo Viện Nghiên cứu địa chất Đan Mạch (GEUS), Greenland là một trong 20 “quốc gia mỏ” của thế giới vì có đủ sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạch kim, kim cương, hồng ngọc cho đến đất hiếm và thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều uranium nhất. Chỉ riêng mỏ Kvanefjeld, phía Nam Greenland, đã chứa khoảng 600.000 tấn uranoxid, là mỏ uranium lớn thứ ba trong số những mỏ đã được phát hiện trên thế giới.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2017 trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học chỉ ra rằng băng trôi qua các lớp trầm tích bên dưới mặt nước thực ra còn nhanh hơn qua các lớp đá tảng trên bề mặt.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu, các dòng băng sẽ trôi nhanh hơn do kết cấu lớp trầm tích bên dưới Greenland trở nên kém vững chắc hơn, ẩm và dễ trơn trượt hơn.
Hải Châu