Các ngân hàng lớn tại Catalonia đang rục rịch phương án di dời trụ sở chính khỏi khu vực bất ổn chính trị này, do lo ngại tuyên bố đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha của Catalonia sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mình và khiến khách hàng ồ ạt rút hết tiền gửi.
Quay lưng lại gốc gác
Ngân hàng Banco Sabadell đã lên tiếng xác nhận sẽ chuyển trụ sở chính đến thành phố Alicante của Tây Ban Nha, trong khi ban lãnh đạo CaixaBank cũng nhóm họp để bàn về việc chuyển sang Quần đảo Balearic.
Vài năm trở lại đây, hai nhà băng này đã cố gắng giảm thiểu rủi ro về chính trị liên quan đến Catalonia thông qua quá trình mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh. CaixaBank mua lại Banca Civica, một nhóm các ngân hàng tiết kiệm đang gặp khó khăn và thâu tóm quyền kiểm soát Banco BPI ở Bồ Đào Nha hồi đầu năm nay. Trong khi đó, ngân hàng Sabadell mua lại Caja de Ahorros del Mediterraneo và mua lại Tập đoàn Ngân hàng TSB của Anh (năm 2015).
Tuy nhiên, một lần nữa, cả hai bất đắc dĩ bị kéo vào những nhốn nháo của khu vực sau cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai độc lập của xứ Catalonia. Dù tính chất căng thẳng đã phần nào hạ nhiệt trước sức ép từ các quan chức ở Madrid và giới doanh nghiệp ở Barcelona, song ảnh hưởng của biến động này đến nhận thức của người dân trên cả nước đối với những thực thể có gốc gác Catalonia là tương đối lớn.
Đại diện Sabadell và CaixaBank đều cho biết đến thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn diễn ra bình thường và chưa có đợt rút tiền ồ ạt nào. Tuy nhiên, một số khách hàng VIP đã có động thái chuyển tiền gửi sang những nhà băng khác trong môi trường chính trị ổn định hơn.
350.000 người tham gia biểu tình phản đối Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha
Thậm chí, CaixaBank đã phải gọi điện trực tiếp để trấn an họ. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cũng phải vào cuộc với lời bảo đảm rằng hai ngân hàng trên sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với khách hàng, những người gửi tiền và các cổ đông bởi khả năng thanh khoản vẫn còn rất dồi dào.
Bất ổn chính trị nhiều năm qua rõ ràng là một cản trở lớn đối với các ngân hàng tại Catalonia. Họ không muốn khách hàng ở Madrid xem mình như là ngân hàng của Catalonia, hay ngược lại, rất ngại bị khách hàng Barcelona gọi là ngân hàng Tây Ban Nha. Vì thế mà các ngân hàng này chỉ còn cách xây dựng hình ảnh về một ngân hàng quốc gia “chung chung”, song cứ mỗi khi những cuộc khủng hoảng như thế này xuất hiện, “gốc gác” Catalonia của họ lại bị đem ra mổ xẻ.
Tín hiệu tích cực
Một vấn đề bên lề liên quan đến việc đòi ly khai của xứ Catalonia là liệu khu vực này có thể gia nhập Liên minh châu Âu sau đó hay không. Theo như lời ông Manfred Weber - lãnh đạo nhóm đa số tại Nghị viện châu Âu, một khi đã rời khỏi Tây Ban Nha, người Catalonia coi như đã rời khỏi Liên minh châu Âu, bao gồm cả khu vực đồng euro và thị trường chung.
Trong một diễn biến mới nhất, cuối tuần qua, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở trung tâm thành phố Barcelona để phản đối việc tách khỏi Tây Ban Nha. Nhiều người trong đám đông tập hợp tại quảng trường thành phố, mang theo cờ Tây Ban Nha và cờ Catalonia, hô to: “Đừng ngốc nghếch, Catalonia là Tây Ban Nha”. Theo cảnh sát, cuộc biểu tình thu hút khoảng 350.000 người tham gia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ không cho phép Catalonia tách rời khỏi đất nước và sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp mà “pháp luật cho phép”.
Những người Catalonia phản đối tách khỏi Tây Ban Nha hy vọng cuộc biểu tình có thể tạo thêm áp lực, đặc biệt sau khi nhiều doanh nghiệp lớn, bao gồm cả hai ngân hàng Sabadell và CaixaBank như đã đề cập ở trên, thông báo đang bố trí lại trụ sở tại những nơi khác thuộc Tây Ban Nha. Trải qua 40 năm hòa bình, những người này chắc hẳn luôn mong muốn Tây Ban Nha tiếp tục là một đất nước thống nhất, bởi bản thân họ không muốn cuộc sống bị xáo trộn, không muốn nhìn thấy Catalonia mất nhiều hơn được so với chính nó và so với phần còn lại của đất nước.
Hải Châu