Ước tính đến tháng 3/2019, các ngân hàng Ấn Độ cần khoảng 65 tỷ USD để lấp đầy lỗ thủng do nợ xấu để lại và đồng thời đáp ứng được các quy định mới.
Từng một thời là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã đi thụt lùi và chạm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, thấp hơn nhiều ngưỡng tối thiểu để tạo ra đủ công ăn việc làm cho hàng triệu người Ấn Độ tham gia vào lực lượng lao động mỗi tháng.
Tháo nút thắt cổ chai
Chính phủ của Thủ tướng Modi đã cố gắng xoay sở bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng nền kinh tế ì ạch lại kéo theo ngân sách eo hẹp, vì thế đầu tư tư nhân trở thành động lực chính gánh cả phần của Nhà nước.
Tuy nhiên, vướng mắc lại nằm ở chỗ các ngân hàng quốc doanh, nguồn cấp tín dụng chủ yếu trong nền kinh tế Ấn Độ, còn đang bận xử lý cả khối nợ xấu khổng lồ trước khi nghĩ được đến việc mở rộng tín dụng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại New Delhi hôm 24/10, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley khẳng định muốn tháo được nút thắt cổ chai này thì phải bơm vốn cho các ngân hàng. “Quyết định tái cấp vốn trị giá 2.100 tỷ rupee cho khối ngân hàng quốc doanh sẽ cải thiện được tình hình tài chính của ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng”, bà Jaitley cho biết.
Thông báo chính thức nêu trên được một số bộ trưởng đánh giá là “chưa từng có tiền lệ” và là kết quả của hàng loạt hoạt động diễn ra trong chính phủ Ấn Độ vài tuần trở lại đây do văn phòng Thủ tướng chủ trì.
Thủ tướng Modi từng cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2014 rằng sẽ tiến hành cải cách để khôi phục tăng trưởng kinh tế và đang đối mặt với nhiều lời chỉ trích sau khi ra quyết định dừng lưu hành một số loại tiền mệnh giá cao hồi tháng 11/2016 và đánh thuế hàng hoá dịch vụ mới từ tháng Bảy năm nay, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trên khắp cả nước bị ảnh hưởng.
Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra chính phủ nên hành động từ ba năm trước để chấn chỉnh ngành ngân hàng; việc đợi đến tận bây giờ sẽ kéo dài thời gian chờ đợi kết quả.
Theo chia sẻ của đại diện Bộ Tài chính Ấn Độ, quyết định tái cấp vốn sẽ được tiếp nối bằng một loạt biện pháp cải cách trong lĩnh vực ngân hàng. Còn trước mắt, trong tổng số tiền hơn 2.100 tỷ rupee, dự kiến 1.350 tỷ dưới dạng trái phiếu, 580 tỷ rupee từ việc bán cổ phiếu của các ngân hàng cho Nhà nước, Chính phủ cũng sẽ sử dụng 180 tỷ rupee để lại từ quỹ tái cấp vốn trước đó.
![]() |
Quyết định tái cấp vốn trị giá 2.100 tỷ rupee cho khối ngân hàng quốc doanh sẽ cải thiện được tình hình tài chính của ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng
Mang theo những kỳ vọng
Hiện chưa có ước tính cụ thể nào về tác động của quyết định trên đến thâm hụt ngân sách của Ấn Độ, nhưng bà Jaitley đánh giá sẽ ở mức 3,2% GDP cho năm tài chính hiện tại kết thúc cuối tháng 3/2018 và 3% trong năm tài chính kế tiếp. Tuy nhiên, các tố chức xếp hạng tín nhiệm uy tín vẫn hoan nghênh động thái vô cùng “dũng cảm” này.
Lĩnh vực ngân hàng có thể xem là mắt xích yếu nhất trong tiến trình phục hồi của nền kinh tế Ấn Độ với việc 21 ngân hàng quốc doanh nắm giữ hơn 2/3 tổng tài sản toàn ngành nhưng đồng thời cũng sở hữu số nợ xấu khổng lồ 9.500 tỷ rupee (tương đương 145 tỷ USD).
Bên cạnh nhiệm vụ tự chấn chỉnh, nhiều ngân hàng cần được hỗ trợ thêm hàng tỷ USD thì mới có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel III, sẽ có hiệu lực chính thức từ tháng 3/2019. Hệ thống xếp hạng của Fitch Ratings tính toán hệ thống ngân hàng Ấn Độ cần tới 65 tỷ USD, trong khi Moody cho rằng cần 15 tỷ USD cho 11 ngân hàng lớn nhất Ấn Độ.
Cụ thể, lộ trình và cách thức tái cấp vốn sẽ dựa trên các yếu tố như quy mô và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng, mang theo kỳ vọng là sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng, kéo theo tăng khả năng thu hút vốn từ giới đầu tư.
Hải Châu