Trong tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, với mức tăng trung bình 9-10%, thấp hơn so với năm 2022.
Cụ thể, MSB đạt được hạn mức cao nhất trong số các ngân hàng (13,5%). Nguyên nhân được các chuyên gia VnDirect cho là do hệ số LDR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.
Tiếp theo là các ngân hàng: HDBank (11%), ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).
![]() |
MSB đạt được hạn mức tăng trưởng tín dụng đợt đầu lên tới 13,5% nhờ hệ số LDR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. |
Theo VNDirect, đây là những ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào, như Vietcombank, ACB, HDBank, MSB…
Giới phân tích cho rằng, room tín dụng được cấp lần 1 của các ngân hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song điều này không mang hàm ý Ngân hàng Nhà nước siết chặt chính sách tiền tệ.
Trên thực tế, quan điểm về chính sách tiền tệ trong năm 2023 từ Ngân hàng Nhà nước mang tính chất ôn hòa hơn, và hạn mức tín dụng này sẽ được điều chỉnh linh hoạt xuyên suốt năm.
Hạn mức thận trọng được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tín dụng chưa cao và Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải cân đối việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định các cân đối vĩ mô trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng năm 2023, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12%, với nhiều nguyên nhân như: Thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng,…
Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Dự phóng cho các ngân hàng thương mại đã được cấp room tín dụng lần đầu, các chuyên gia tại VnDirect dự báo, VPBank sẽ tăng trưởng cao nhất ở mức 22%. Tiếp theo là HDBank với con số 20% và MBB (18%). Các ngân hàng còn lại, dự phóng dao động từ 11% - 13%, đều thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng năm 2022 (trừ LPB) từ 1,5% - 7,4%.
T.H