![]() |
LienVietPostBank phấn đấu hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trong Quý IV năm 2020. |
Nhiều ngân hàng cho hay, việc thực hiện 3 trụ cột Basel II không phải là theo phong trào mà chính là tầm nhìn và chiến lược dài hạn của các ngân hàng. Họ cũng hiểu rằng, thực hiện chuẩn Basel II không chỉ do áp lực từ cơ quan quản lý mà còn là đòi hỏi nội tại của chính ngân hàng nếu muốn phát triển an toàn, bền vững.
Cuộc đua hoàn thành 3 trụ cột Basel II
Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trên hành trình xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh và bền vững hơn, việc các ngân hàng đáp ứng được đầy đủ các quy định đưa ra trong Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN là vô cùng quan trọng. Nếu đáp ứng và triển khai tốt được các quy định trong 2 Thông tư trên cũng có nghĩa là các ngân hàng sẽ sớm hoàn thành việc triển khai cả 3 trụ cột của Basel II.
Tuy nhiên, đến nay có 6 ngân hàng hoàn thành xong 3 trụ cột bao gồm SeABank, Vietcombank, MSB, VIB, TPBank, VPBank. Ngoài ra, một số ngân hàng cho biết sắp hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II như: SHB, VietCapital Bank, BIDV và LienVietPostBank.
Thực tế hiện nay các ngân hàng đang gấp rút hoàn thành chuẩn mực Basel II theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai còn vướng nhiều khó khăn, thách thức.
Ví dụ, công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các ngân hàng thương mại còn nhiều bất cập, bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ.
Mặc dù đã có các ban chuyên về chức năng quản trị rủi ro nhưng chỉ dừng lại ở quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản. Nhiều ngân hàng chưa ứng dụng phương pháp chuẩn và phương pháp đánh giá nội bộ của Basel II trong đánh giá rủi ro tín dụng…
Ngoài ra, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn theo quy định tại Thông tư 41 cũng khiến các ngân hàng gặp khó khăn.
Vì vậy, đến nay một số ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một hoặc hai trụ cột của Basel II như: MB, Techcombank, ACB, HDBank, OCB, VietBank, VietCapital Bank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam và BIDV…
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra - Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đánh giá cao tính chủ động và quyết tâm của các ngân hàng trong quá trình đầu tư triển khai dự án Basel II, cũng như những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tuân thủ các quy định mới của NHNN và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động kinh doanh.
"Việc hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel II sẽ là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ an toàn và hiệu quả hơn", ông Phi nhấn mạnh.
Ngân hàng hướng đến chiến lược dài hạn
Dù còn nhiều khó khăn, xong các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới danh sách các ngân hàng hoàn thành 3 trụ cột Basel II sẽ tiếp tục dài thêm, bất chấp dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến lộ trình áp dụng Basel II của các ngân hàng.
Các chuyên gia đánh giá, những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 đã được dự báo trước và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lộ trình áp dụng Basel II của nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng nền tảng tài chính còn chưa tốt đang phải đối diện với nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm... Tuy nhiên, hiện nhiều ngân hàng vẫn đang nỗ lực để hoàn tất các quy trình Basel II.
Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hiện tại vẫn chưa lường hết hậu quả Covid tác động đến nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, do vậy ông Lịch cho rằng, các ngân hàng vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu áp dụng Basel II một cách đầy đủ nhưng điều quan trọng hơn trong lúc này là không để nợ xấu tăng cao, giữ ổn định hệ thống. “NHNN nên chủ động xây dựng thêm nhiều kịch bản trong đó có thể cân nhắc đến việc lùi lộ trình áp dụng Basel II”, TS. Lịch chia sẻ thêm quan điểm.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đứng ở góc độ đảm bảo tính bền vững của hoạt động ngân hàng, các ngân hàng phải đáp ứng chuẩn mực Basel II. Thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng đã làm rất tốt nhưng cần phải tiếp tục kiên trì mục tiêu. Đây là yêu cầu đảm bảo sự ổn định tiền tệ, hệ thống các TCTD và góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, chưa ngân hàng nào công bố “hoãn” lộ trình áp dụng Basel II. Nhiều ngân hàng cho hay, việc thực hiện 3 trụ cột Basel II không phải là theo phong trào mà chính là tầm nhìn và chiến lược dài hạn của các ngân hàng. Họ cũng hiểu rằng, thực hiện chuẩn Basel II không chỉ do áp lực từ cơ quan quản lý mà còn là đòi hỏi nội tại của chính ngân hàng nếu muốn phát triển an toàn, bền vững.
Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank chia sẻ, quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP) giúp Ngân hàng thiết lập một chiến lược kinh doanh đảm bảo hài hòa giữa ba yếu tố lợi nhuận, rủi ro và quản lý vốn. Việc hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột theo Basel II sẽ giúp tăng mức độ uy tín của LPB và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông và các cơ quan quản lý.
"Nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích của ICAAP, Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc ngân hàng đã quyết liệt chỉ đạo và tích cực tham gia vào quá trình triển khai ICAAP để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ", ông Sơn cho hay.
Basel II có ba trụ cột chính: Trụ cột 1: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); trụ cột 2: Rà soát giám sát; và trụ cột 3: Thực hiện các nguyên tắc thị trường. Theo đó, trụ cột 1 quy định mức an toàn vốn tối thiểu theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp nâng cao cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trụ cột 2 là đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn. Ở đó, các ngân hàng phải chuẩn hóa quy trình, phương pháp, công cụ đo lường rủi ro, đồng thời phải kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn. Trụ cột thứ 3 là minh bạch và kỷ luật thị trường, theo đó, các ngân hàng phải báo cáo và thuyết minh định kỳ về các chỉ tiêu định tính và định lượng về an toàn vốn. Trụ cột này tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin. Các ngân hàng thương mại cần công bố thông tin một cách định kỳ và minh bạch. Nội dung công bố thông tin cần đáp ứng yêu cầu của NHNN, ngoài ra nên tham khảo đến các chuẩn mực tốt nhất trên thế giới. |
Huyền Anh