Số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm của thành phố Hà Nội cho thấy nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Cụ thể, tính đến hết tháng 2, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.526 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 1,8% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 2%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.496 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 1,6%.
Để có được con số tăng trưởng ấn tượng, nhiều ngân hàng đã triển khai nhóm giải pháp như: giảm lãi vay, miễn phí giao dịch, linh hoạt trong phê duyệt hồ sơ tín dụng… |
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh đạt 2,65% - mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao gần gấp rưỡi mức tăng trưởng tín dụng chung cả nước. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi rơi vào kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán và theo quy luật hàng năm thường tín dụng tăng thấp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh cách chính sách chung, sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn, với lượng vốn cam kết 424.000 tỷ đồng nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hơn nữa, nhằm hỗ trợ tối đa cho sản xuất, kinh doanh.
Về phía các ngân hàng, để có được con số tăng trưởng ấn tượng ngay từ đầu năm, ngân hàng triển khai nhiều nhóm giải pháp như: giảm lãi vay, miễn phí giao dịch rất cần sự linh hoạt trong phê duyệt hồ sơ tín dụng…
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt cho hay, trước đây chúng ta có thể đánh giá doanh nghiệp tăng trưởng hay lợi nhuận tăng trưởng như thế nào, nhưng trong 2 năm COVID-19 liên tục, không loại trừ doanh thu giảm, lợi nhuận giảm thì chúng ta cần chính sách đồng hành cùng với họ để đôi bên cùng có lợi.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 5,5- 7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-8,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,5%/năm).
Mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 7,2 - 7,5%/năm. Khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp cận khoản vay với giá vốn thấp hơn 1 - 2%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao. Để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Tùy ngân hàng có thể tăng room tín dụng lên 10%-20% nếu họ có thể huy động được vốn và vẫn tuân thủ chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Thanh Hoa